Chính trị - Xã hội

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng

07:07, 24/03/2023 (GMT+7)

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm đưa Nhà máy nước Hòa Liên vào hoạt động, các đơn vị, địa phương đang thực hiện các biện pháp để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở hạ du sông Vu Gia trong mùa nắng nóng năm nay.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang vận hành hệ thống cửa phai thu nước bề mặt nhằm hạn chế tác động của tình trạng nhiễm mặn sông Cẩm Lệ.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang vận hành hệ thống cửa phai thu nước bề mặt nhằm hạn chế tác động của tình trạng nhiễm mặn sông Cẩm Lệ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Triển khai công tác chuẩn bị đắp đập tạm

Khác những năm trước, thời điểm này, việc đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và đập tạm trên sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để tăng lưu lượng nước về sông Vu Gia vẫn chưa thể thi công vì gặp một số khó khăn. Trong tháng 2 và tháng 3-2023, sông Vĩnh Điện tại cầu Tứ Câu có nhiều ngày bị nhiễm mặn nặng, nhất là ngày 3-3-2023, độ mặn lên đến 20‰ (tương đương 20.000mg/l).

Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) tiến hành bơm lách mặn để bảo đảm cấp nước tưới cho diện tích 1.885ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 89ha sản xuất lúa đông xuân ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

UBND thị xã Điện Bàn cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam về những khó khăn trong việc triển khai công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện và đề nghị tỉnh có chủ trương về nguồn cát cấp cho công trình.

Ngày 20-3, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Thị Minh Châu cho biết: “Thị xã đang chờ tỉnh có văn bản về lấy nguồn cát từ những nơi khác để phục vụ thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện. Sau đó, thị xã mới phát hành hồ sơ mời thầu thi công công trình lại lần thứ 3. Với thời gian mời thầu khoảng 10 ngày, nếu công trình được thi công nhanh thì sẽ kịp phục vụ, bảo đảm nước tưới cuối vụ đông xuân. Thời gian qua, mặc dù độ mặn đang lên nhưng nhờ vận hành bơm lách mặn nên các diện tích sản xuất lúa vẫn đang được bảo đảm nước tưới, chưa bị ảnh hưởng, chưa bị khô nước ngày nào”.

Tại khu vực sông Quảng Huế, do khu vực bờ sông và đất sản xuất nông nghiệp của 11 hộ dân ở thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc ở hạ lưu công trình xử lý bước đầu tại cửa vào sông Quảng Huế (nơi hằng năm đắp thêm đập tạm bằng bao cát) đã bị xói lở với diện tích khoảng 3ha, nên năm nay vẫn chưa thi công đắp đập tạm bằng bao cát để tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia.

UBND thành phố Đà Nẵng có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế đến cao trình 3,2m để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện khi điều kiện thực tế cho phép nhằm bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng và góp phần cấp nước hiệu quả cho huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn.

Thuận lợi cấp nước an toàn

Theo TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), qua theo dõi, có thể thấy, công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện chưa thi công được nên độ mặn tại khu vực sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ chưa gia tăng nhiều do thời gian qua, nguồn nước từ sông Thu Bồn về nhiều kết hợp một phần nước sông Vu Gia phân chia qua sông Quảng Huế và mực nước sông Yên tại hệ thống đập dâng An Trạch ở mức cao, góp phần đẩy mặn cho sông Cẩm Lệ.

Những năm trước, do công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện được thi công vào đầu năm nên đã làm cho độ mặn của sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ gia tăng. “Tuy nhiên, hiện tại, mực nước các sông đã có dấu hiệu suy giảm, thời tiết bắt đầu nắng nóng rất cần sự điều tiết của các hồ thủy điện để dành nước xả trong thời gian sản xuất vụ hè thu (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8) “, TS. Lê Hùng đề xuất.

Công trình Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày đang được khẩn trương hoàn thành. Ảnh: H.H
Công trình Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày đang được khẩn trương hoàn thành. Ảnh: H.H

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho biết, quan điểm của công ty là ưu tiên hàng đầu cho cấp nước ổn định và có dự phòng đến cuối mùa cạn. Mục tiêu thứ hai là luôn sẵn sàng để phát điện đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện.

Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Hồ Minh Nam cho rằng, bên cạnh các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn như đã triển khai hằng năm, hiện nay, công ty đang tập trung hoàn thành thi công dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm, trong đó có hạng mục tuyến ống dẫn nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch mới về nhà máy nước Cầu Đỏ.

Dự kiến vào cuối tháng 3-2023, công ty sẽ đưa vào vận hành trạm bơm và tuyến ống dẫn nước thô (vận hành thử các máy bơm, súc xả đường ống dẫn nước thô...) nhằm nâng công suất khai thác nguồn nước thô không nhiễm mặn tại thượng lưu đập dâng An Trạch khi độ mặn tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ vượt ngưỡng cho phép mà không thể khai thác được, phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho thành phố.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện chưa có dấu hiệu nhiễm mặn nặng trên sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ. Mực nước tại các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cơ bản bảo đảm và các chủ hồ đang phối hợp tốt với các địa phương trong vấn đề sử dụng nước hiệu quả.

Đồng thời, thành phố đã triển khai sớm, đúng trọng tâm, trọng điểm các phương án quan trọng và sẵn sàng ứng phó với các tình huống để bảo đảm cấp nước an toàn, đặc biệt là nhà máy nước Hòa Liên đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục còn lại để chuẩn bị đưa vào hoạt động... Có thể thấy, công tác ứng phó với xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước an toàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong mùa nắng nóng năm nay tương đối thuận lợi.

Ngày 29-3, khánh thành nhà máy nước Hòa Liên

Chiều 23-3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho hay, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, vào ngày 29-3, thành phố sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình nhà máy nước Hòa Liên. Dự án Nhà máy nước Hòa Liên được UBND thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3476/QĐ-UBND ngày 7-8-2019 với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đập dâng, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô và nhà máy xử lý với công suất trong giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày. Khi đưa vào sử dụng, nhà máy nước cung cấp, bổ sung nguồn nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tại các khu vực quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, huyện Hòa Vang, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm đời sống dân sinh và phát triển mở rộng thành phố. 

HOÀNG HIỆP

.