Chính trị - Xã hội
Đại tướng Chu Huy Mân với đất và người xứ Quảng
Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1929, 16 tuổi bắt đầu tham gia cách mạng, đồng chí được kết nạp Đảng ở tuổi 17, nhiều lần bị địch bắt giam, tra tấn dã man rồi bị đày đi nhà ngục Đắk Glei, Đắc Tô (Kon Tum). Năm 1943, đồng chí vượt ngục về bắt liên lạc và hoạt động tại Quảng Nam. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân gắn bó với chiến trường Khu 5 nói chung, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi ghi dấu rất nhiều chiến công tiêu biểu của Đại tướng trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại tướng Chu Huy Mân |
Những ngày sôi động
Năm 1937, chàng trai Chu Văn Điều, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh, đến năm 1940 bị địch đưa lên giam tại ngục Đắk Glei. Tại ngục Đắk Glei, chính đồng chí Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh… đã tổ chức cho đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu vượt ngục vào đầu năm 1942. Sau đợt vượt ngục của các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu, thực dân Pháp khủng bố hết sức tàn bạo và đưa tất cả số tù nhân ngục Đắk Glei xuống giam ở Đắk Tô. Không lâu sau đó, Huỳnh Ngọc Huệ cũng bị thực dân Pháp bắt lại và giam tại nhà ngục Đắk Tô. Ở nhà lao Đăk Tô một thời gian, đầu năm 1944, đồng chí Chu Huy Mân lại cùng các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục.
Theo sự thống nhất, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Nguyễn Duy Trinh đi ra hướng bắc, còn đồng chí Chu Huy Mân và Hà Thế Hạnh xuống Quy Nhơn rồi vào Nha Trang, ra Quảng Trị rồi vào lại Quảng Nam. Những ngày đầu hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân lấy bí danh là Lạc - bí danh mà theo như đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã nói: “Có lẽ chưa nhiều người biết đến Đại tướng Chu Huy Mân bắt đầu gắn bó với chiến trường Quảng Nam bằng một cái tên nghe là lạ… đồng chí Chu Huy Mân có bí danh là Lạc, nghĩa là lúc đó khi chưa tìm lại được cơ sở, anh đang bị lạc vì vậy anh đi bán lạc rang ở chợ Vĩnh Điện để tìm cách liên lạc với Đảng”.
Sau hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời tại Kim Bồng, Hội An (4-1944), đến tháng 7-1944, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại Diêm Trường, xã Tam Giang, hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Nguyễn Tấn Ưng) báo cáo “ở thị trấn Vĩnh Điện có một người lạ, bán kẹo lạc, nói tiếng miền ngoài, có những biểu hiện khác thường, khi nói thì rành về cách mạng, tuyên truyền cộng sản, khi thì nói có pha giọng chán đời, có những biểu hiện khả nghi…”.
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Văn Quế, Bí thư Tỉnh ủy nhận định “đó là hiện tượng không bình thường, cần phải đề cao cảnh giác, đặc biệt chú ý”, đồng thời giao đồng chí Nguyễn Văn Tấn quan tâm theo dõi thật chặt chẽ. Sau một thời gian theo dõi được biết, anh chàng khả nghi đó là người xứ Nghệ, đóng vai người đi làm thuê, đang ẩn thân để hoạt động. Để xác minh cụ thể, Tỉnh ủy đã bố trí người gặp gỡ, nắm tình hình và xác định đây là chiến sĩ vừa vượt ngục.
“Anh là Chu Văn Điều, một chàng trai Hưng Nguyên, Nghệ An tham gia cách mạng từ năm 1929, đã có nhiều hoạt động qua các thời kỳ và đã bị địch bắt bớ nhiều lần. Lần này chàng trai ấy đã vượt ngục và tìm nơi ẩn náu để tiếp tục hoạt động. Khi biết rõ về anh Chu Văn Điều tôi bàn với Tỉnh ủy mời anh hoạt động và phân công anh bám sát địa bàn Vĩnh Điện, lấy bí danh là Lạc” - theo lời kể của đồng chí Trần Văn Quế.
Sau khi nắm chắc lai lịch, tung tích, Tỉnh ủy quyết định mời đồng chí Chu Huy Mân tham gia Tỉnh ủy. Đó là vào một ngày tháng 5-1945, tại bến đò Ông Đốc, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng. Hội nghị lần này có cả người bạn tù Huỳnh Ngọc Huệ, lần này đồng chí Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ, Huỳnh Đắc Hương, Phan Bá (Phan Bình) được bổ sung vào Tỉnh ủy. Trong thời khắc vô cùng ý nghĩa này, đồng chí Chu Huy Mân đã xúc động xin được lấy bí danh “Lạc”. Sau hội nghị, đồng chí tiếp tục gánh kẹo lên Mỹ Lược (Duy Xuyên) để bán, từ đó đồng chí có điều kiện xuôi ngược trên những chiếc đò của cơ sở cách mạng trên sông Ông Đốc - chợ Mỹ Lược xuôi dòng Thu Bồn.
Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 và đồng chí Chu Huy Mân (giữa) chỉ huy chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
Ký ức ngày Tết Độc lập đầu tiên
Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, với vai trò là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân được phân công tiếp tục bám cơ sở và hoạt động tại Vĩnh Điện, trong cuộc tổng khởi nghĩa đồng chí trực tiếp chỉ huy anh em tự vệ chiếm tỉnh thành Quảng Nam (tỉnh thành La Qua). Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Chu Huy Mân được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ làm trưởng ban tổ chức buổi lễ mít-tinh chào mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam được tổ chức vào chiều ngày 2-9-1945.
Theo đồng chí Chu Huy Mân: “Ban tổ chức buổi lễ đã tổ chức tiếp âm lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nhưng do phương tiện kỹ thuật tiếp âm của ta lúc mới giành chính quyền chưa đảm bảo, tiếng nghe rõ tiếng không, nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham dự mít-tinh đều biết đó là tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên rất phấn khởi” - đó là ký ức không phai mờ trong cuộc đời hoạt động của Đại tướng Chu Huy Mân trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi động ở Quảng Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Trung ương, Quảng Nam thành lập Chi đội 1 Giải phóng quân (nay là Tỉnh đội Quảng Nam), đồng chí Chu Huy Mân được điều sang làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam rồi gắn bó với cuộc đời binh nghiệp vinh quang của mình qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuối năm 1946, đồng chí được điều ra hoạt động ở Việt Bắc để xây dựng các trung đoàn chủ lực.
Chia tay Quảng Nam, mảnh đất đã che chở, nuôi giấu mình trong những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhất, nhưng cũng đầy sôi động trong mùa thu cách mạng, đồng chí xúc động kể: “Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều những nghĩa tình sâu sắc. Tôi nhớ gia đình ông bà Đức Long. Nhớ bến tắm sông Vĩnh Điện, nơi anh Võ Văn Đặng - người tù chính trị trong nhà lao tỉnh Quảng Nam. Bến đò Ông Đốc trên chiếc đò con, nghe sông Thu Bồn náo nức chuyển sang thu. Ông Cả Đáng tuổi già, nhưng mấy đêm liền thức canh cho cán bộ dự hội nghị Việt Minh tỉnh được an toàn… Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng. Ông Sáu, bà Lành sống trong túp lều nơi cửa đông thành Quảng Nam rất biết trọng nhân cách con người…
Tạm biệt Quảng Nam, với những vùng đất và con người như Vĩnh Điện, Đại Lộc, Duy Xuyên… nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan. Khi đột ngột phải xa Quảng Nam, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động… trong sâu thẳm tôi thầm hứa nhất định sẽ có ngày trở lại vùng đất quê hương thứ hai này, với những con người đầy nghĩa khí cách mạng hào hùng và tình thương vô hạn” (theo cuốn Hồi ký “Thời sôi động của Đại tướng Chu Huy Mân”, do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2004).
Trong lòng dân xứ Quảng
Cuối năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị điều vào lại chiến trường Khu 5. Từ đây cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, đồng chí gắn bó với chiến trường miền Trung - Tây Nguyên nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Và Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã ghi dấu ấn về tài năng của vị tướng Chu Huy Mân với tên gọi thân thương với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Khu 5 - anh Hai Mạnh (mạnh về chính trị và mạnh về quân sự) trong những năm tháng gắn bó với chiến trường Khu 5 và Quảng Nam - Đà Nẵng với chiến thắng Núi Thành, chiến thắng đồn Xã Đốc, chiến thắng Cấm Dơi và đỉnh cao là chiến dịch giải phóng Đà Nẵng mùa xuân năm 1975.
Sau ngày giải phóng, đồng chí đã nhiều lần về thăm lại Quảng Nam, Đà Nẵng, thăm cơ sở cách mạng những nơi đã che chở, nuôi giấu mình trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Trong những lần về thăm Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng chí không thể quên những tên đất, tên làng, những con sông, con suối nơi đây. Đặc biệt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi căn cứ cách mạng, đồng chí nhấn mạnh “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ thật khó tả hết ác liệt, khó khăn. Lửa thử vàng, thép tôi mấy độ. Đồng bào, đồng chí, đồng đội đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, kiên cường bền bỉ chiến đấu đã cùng với quân, dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Mỗi lần có dịp về thăm lại Quảng Nam - Đà Nẵng, gặp đồng chí, đồng đội, đồng chí Chu Huy Mân vui mừng nói: tôi là Lạc, một bí danh kỷ niệm không bao giờ quên và Quảng Nam - Đà Nẵng là quê hương thứ hai của tôi. Nghệ An là đất mẹ quê tôi, nơi sinh ra và giác ngộ tôi. Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi đã giúp tôi tiếp nối ý chí cách mạng đến thành công.
Tên tuổi và những chiến công của Đại tướng vẫn còn lưu danh với vùng đất “chưa mưa đà thấm” này. Tên đồng chí Chu Huy Mân cũng đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân là dịp để cán bộ, đảng viên tưởng nhớ và tri ân tấm gương về tài năng, đức độ của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là những đóng góp của đồng chí với đất và người xứ Quảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
LÊ NĂNG ĐÔNG