Chính trị - Xã hội
"Dân vận khéo" để phát triển kinh tế - xã hội
“Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, chính quyền các cấp huyện Hòa Vang luôn chú trọng thực hiện công tác “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng (thứ 2, bên trái sang) và cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Tiến tham gia hướng dẫn nông dân kỹ thuật ủ rơm. Ảnh: H.T |
Trước đây, xã Hòa Tiến có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang lớn, bởi người dân không mặn mà với việc sản xuất nông nghiệp do đất đai cằn cỗi cho năng suất thấp. Để giải quyết vấn đề này, Hội Nông dân xã cùng các chi hội tích cực vận động hội viên tái sản xuất trên đất bỏ hoang. Nhờ vậy, chỉ trong năm qua, hơn 10ha đất hoang đã được phủ xanh trở lại với các giống cây nông nghiệp như: lúa, chuối, bắp…
Chi hội trưởng Nông dân thôn La Bông Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong thôn có nhiều diện tích đất bỏ hoang 3-4 năm nay, tiếc đất, anh nỗ lực vận động 2 hộ dân tái sản xuất hơn 5ha đất ruộng. Không chỉ vậy, bản thân là nông dân sản xuất giỏi của địa phương, anh Thắng luôn hỗ trợ hội viên trong chi hội nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng năng suất nông nghiệp. “Là nông dân, thấy ruộng đất bị bỏ hoang nên rất xót xa. Vì vậy, tôi cố gắng vận động, thuyết phục bà con gieo trồng, phủ xanh ruộng hoang. Khi thấy vụ mùa tươi tốt, tôi rất vui”, anh Thắng nói.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Văn Quang vui mừng chia sẻ, nhờ những nỗ lực trong công tác vận động hội viên, đến nay nhiều diện tích đất bỏ hoang tại cánh đồng các thôn: Yến Nê, La Bông, Bắc An… đã được gieo trồng trở lại. Hội Nông dân xã thường xuyên hỗ trợ người dân từ hạt giống, phân bón, phối hợp các ngành chức năng tổ chức 56 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.200 lượt người dân về kỹ thuật chăn nuôi…
Không chỉ vậy, Hội Nông dân xã còn trực tiếp giao cho mỗi chi hội 2 - 3 sào lúa để canh tác, ước tính mỗi mùa thu hoạch 250 - 300kg lúa/sào. Số tiền thu được từ việc bán lúa sẽ trao hỗ trợ cho con em hộ nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng chính quyền địa phương bảo đảm an sinh xã hội.
Trong khi đó, tại xã Hòa Liên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tích cực phối hợp chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Chủ tịch Hội LHPN xã Ngô Thị Thanh Hà chia sẻ, toàn xã có 41 dự án đã và đang triển khai, trong đó có 3.500 hộ nằm trong diện giải tỏa đền bù. Về kinh nghiệm “dân vận khéo”, chị Hà chia sẻ, trong vận động GPMB, Hội LHPN chú trọng phương châm bám sát cơ sở để lắng nghe những kiến nghị của người dân về phương án đền bù GPMB.
Hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng để phối hợp đề xuất chính quyền địa phương hướng giải quyết kịp thời. “Vận động người dân phải nhẹ nhàng, lắng nghe và thấu hiểu. Nhờ vậy, nhiều vấn đề phức tạp trong đền bù đã được cán bộ hội giải quyết hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong hội viên.
Đến nay toàn xã có hơn 2.900 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Nổi bật là dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường Nguyễn Tất Thành nối dài… Không chỉ vậy, Hội LHPN xã còn vận động hội viên phụ nữ tiêu biểu hiến hơn 4.000m2 đất phục vụ công trình, dự án”, chị Hà nói thêm.
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên Lê Đức Toại cho biết, chính quyền và Mặt trận, các hội, đoàn thể đóng vai trò rất quan trọng trong công tác vận động nhân dân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác GPMB. Đặc biệt, góp sức vào công tác này, Hội LHPN xã đã phát huy tốt vai trò của mình khi vận động người dân chấp hành bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các công trình, dự án đúng tiến độ nhờ sự khéo léo của mình.
Trưởng ban Dân Vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng nhận định, “dân vận khéo” sẽ thúc đẩy sự đồng thuận trong nhân dân, tạo nên sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác dân vận luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện trên nhiều lĩnh vực.
Điển hình là UBND và Hội Nông dân xã Hòa Tiến vận động nông dân phủ xanh đất hoang, UBND và Hội LHPN xã Hòa Liên với công tác vận động giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng hay phong trào “Thứ Năm - Ngày nông thôn mới - ngày về với nhân dân” tại xã Hòa Bắc đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đây chính là minh chứng cho sức mạnh của “Dân vận khéo”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa, công tác dân vận giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi thực hiện tốt công tác này là giải pháp hữu hiệu để xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận của nhân dân, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa UBND huyện với Mặt trận, các hội, đoàn thể trong công tác dân vận được duy trì thực hiện tốt, bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời đến với mọi người dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
NGUYỄN QUANG