Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

.

Ngày 26-10-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội (GSPBXH) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố đã nhanh chóng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị này trên cơ sở tiếp tục phát huy những thành quả trong GSPBXH trước đó, đóng góp tích cực xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức giám sát chuyên đề năm 2022 đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). (Ảnh do Mặt trận thành phố cung cấp)
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức giám sát chuyên đề năm 2022 đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). (Ảnh do Mặt trận thành phố cung cấp)

Đưa Chỉ thị số 18-CT/TW vào cuộc sống

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW và các kế hoạch của Trung ương, Thành ủy về thực hiện chỉ thị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn thành phố.

Cùng với tổ chức quán triệt chỉ thị, Mặt trận thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác GSPBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW cùng các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động GSPBXH của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trên trang thông tin điện tử và fanpage của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố.

Mặt trận thành phố và các cấp tiếp tục hoàn thiện quy trình hoạt động GSPBXH. Trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả cụ thể hóa và triển khai thi hành Điều 9, Hiến pháp năm 2013; tổng kết thi hành Luật MTTQ Việt Nam và kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới công tác GSPBXH.

Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện và các tổ chức thành viên vận động khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và nhân dân tham gia GSPBXH.

Năm 2023, Mặt trận thành phố đã ban hành và triển khai kế hoạch giám sát 3 chuyên đề: giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố; giám sát trách nhiệm người đứng đầu UBND các cấp và đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Những kết quả tích cực

Năm 2022, Mặt trận các cấp tổ chức giám sát với 133 chuyên đề, trong đó Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội thành phố giám sát  12 chuyên đề; Mặt trận quận, huyện: 19 chuyên đề; Mặt trận các phường, xã: 101 chuyên đề. Mặt trận các cấp thành phố tổ chức 54 cuộc phản biện xã hội liên quan đến các dự án, chương trình, kế hoạch trên địa bàn thành phố, trong đó có 52 cuộc bằng hình thức hội nghị, 2 cuộc bằng hình thức đối thoại trực tiếp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

Theo nhìn nhận của bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, trong năm 2022, hoạt động giám sát chuyên đề có chất lượng, kiến nghị cụ thể, chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm người dân đang quan tâm, bức xúc… góp phần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Về hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận các cấp triển khai thực hiện tốt cả số lượng và chất lượng. Việc chọn nội dung phản biện đáp ứng mong đợi của người dân, hỗ trợ cho ngành chủ quản nhiều thông tin để điều chỉnh phù hợp, đưa các chính sách, đề án, dự án của các cấp đi vào thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Lữ Thị Kim Hoa cho biết, năm 2022, Mặt trận, các hội đoàn thể quận giám sát mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”, giám sát nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

“Hoạt động GSPBXH của Mặt trận quận và 5 phường có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung giám sát cụ thể, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả. Năm 2023, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn quận, việc thực hiện Đề án “Liên Chiểu - Quận thân thiện môi trường”. Mặt trận các phường giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đền bù, tái định cư đối với nhân dân thuộc diện di dời, giải tỏa”, bà Hoa thông tin.

Mặt trận quận Thanh Khê tổ chức 14 hội nghị phản biện, 30 chuyên đề giám sát. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ  Việt Nam quận Thanh Khê  Phạm Ngọc Tuấn cho biết, bên cạnh giám sát thường xuyên và chuyên đề, Mặt trận quận tăng cường phối hợp chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra ban thanh tra nhân dân và các ban giám sát cộng đồng ở 10 phường trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, kết quả ban thanh tra nhân dân và các ban giám sát cộng đồng ở 10 phường đã trực tiếp giám sát 58 công trình dân sinh ở địa phương, qua đó phát hiện 8 vụ việc và đề xuất 17 ý kiến.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, trong điều kiện thành phố thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, Quận ủy tăng cường công tác lãnh đạo Mặt trận và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội quận và 10 phường thực hiện GSPBXH. Đồng thời theo dõi và chỉ đạo chính quyền, cơ quan, đơn vị, tiếp thu, xử lý và trả lời về kết quả kiến nghị sau GSPBXH. Qua đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.