Chính trị - Xã hội
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế những vụ tai nạn giao thông đường thủy, các ngành chức năng của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra nồng độ cồn đối với lái tàu du lịch. Ảnh: T.L |
Đà Nẵng có 49,2km đường thủy nội địa, trong đó, đường thủy nội địa quốc gia ủy thác quản lý là 19,9km; đường thủy nội địa do địa phương quản lý là 29,3km. Đường thủy nội địa quốc gia ủy thác gồm sông Hàn và sông Vĩnh Điện, trong đó, sông Hàn có chiều dài 8,8km, sông Vĩnh Điện có chiều dài 11,1km tính từ ngã ba sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ đến hạ lưu cầu Tứ Câu.
Đường thủy nội địa do địa phương quản lý gồm 6 sông: sông Cu Đê (dài 14km tính từ cửa sông Cu Đê đến Bầu Bàng thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), sông Cẩm Lệ (dài 9,3km tính từ ngã ba sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ đến ngã ba sông Cẩm Lệ - Túy Loan - sông Yên), sông Túy Loan (dài 10,2km tính từ ngã ba sông Cẩm Lệ - Túy Loan - sông Yên đến ngã ba cây Sung thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), sông Yên (dài 5,5km tính từ ngã ba sông Cẩm Lệ - Túy Loan - sông Yên đến đập An Trạch), sông Quá Giáng (dài 4,3km tính từ ngã ba sông Vĩnh Điện - Quá Giáng đến đập Bầu Nít) và sông Cổ Cò ( dài 7,35km tính từ ngã ba sông Vĩnh Điện - Cổ Cò đến giáp tỉnh Quảng Nam).
Với hệ thống sông ngòi đa dạng, thành phố có rất nhiều lợi thế trong phát triển giao thông cũng như du lịch đường thủy nội địa. Chính vì vậy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố luôn được coi trọng, nhất là trước đây, thành phố từng xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng như vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 (năm 2016) làm 3 hành khách thiệt mạng.
Ông Lê Văn Lâm, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngay từ đầu năm, ban đã triển khai văn bản đến các sở, ban, ngành, quận, huyện. Trong đó, đề nghị Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và Ban ATGT quận, huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ phương tiện những quy định về đăng kiểm phương tiện; hướng dẫn, tổ chức thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; cùng với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2023.
Các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, xử lý các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng (Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa), chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ATGT đường thủy nội địa.
Đặc biệt là công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa, vận chuyển khách ngang sông; chú trọng các khu vực có mật độ giao thông cao, lưu lượng hành khách qua lại lớn, nhất là các tuyến vận tải hành khách phục vụ du lịch, lễ hội,…
Qua đó ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động cảng, bến, phương tiện không đủ điều kiện hoạt động...
Theo Ban ATGT quận Ngũ Hành Sơn, thời gian qua, ban không chỉ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý, mà còn quan tâm đến ý thức chấp hành những yêu cầu về mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh của người tham gia giao thông; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cho các chủ bến, người lái phương tiện ký cam kết bảo đảm thực hiện các tiêu chí của bến khách an toàn.
Ông Trần Lành, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết, theo kế hoạch, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quy định hiện hành về phương tiện, trang thiết bị đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa, lực lượng thanh tra chú trọng đến các phương tiện thủy nội địa được cơ quan đăng kiểm kiểm tra và chứng nhận phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và có vùng hoạt động phù hợp với phạm vi đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa hay không.
Đồng thời nhắc nhở chủ phương tiện khi hoạt động phải có trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm; chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuyệt đối không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người cho phép; hàng hóa sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối đi, làm nghiêng, lệch phương tiện trước khi cho phương tiện lưu thông…
THÀNH LÂN