Chính trị - Xã hội
Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn thành phố
Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”. Mục tiêu cao nhất mà đề án hướng đến là thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng về đề án này, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung cho biết:
- Sau 48 năm kể từ ngày giải phóng thành phố và 26 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất xây dựng thành phố ngày càng phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, với những chính sách nhân văn như thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để có được kết quả trên, một trong những vấn đề mà Đảng bộ thành phố xác định, đặt lên hàng đầu đó là công tác dân vận.
Với tinh thần đó, sau khi Trung ương phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào năm 2009, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố. Qua hơn 12 năm triển khai, có gần 700 mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện hiệu quả, trong đó, tiêu biểu có 16 mô hình được lựa chọn nhân rộng với nội dung hướng đến hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, cùng nhau phát triển kinh tế, di dời giải tỏa, văn minh đô thị, an ninh trật tự, công nghệ số cộng đồng. Đây là các mô hình hay, sáng tạo đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định như công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa sâu sát, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; công tác truyền thông chính sách chưa thật sự hiệu quả; việc rà soát, kiểm tra, đánh giá, nhân rộng các mô hình, điển hình chưa được thường xuyên, bài bản và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có nhiều thay đổi, nhưng việc tập huấn, trang bị kỹ năng, phương pháp công tác chưa kịp thời...
Xuất phát từ thực tiễn trên, ngày 31-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị thành phố về thực hiện công tác dân vận với phương thức “Dân vận khéo”.
Qua đó tập trung phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để tổ chức triển khai, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp lớn được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên...
* Mục tiêu cụ thể đề ra trong đề án là gì, thưa ông?
- Ban Thường vụ Thành ủy xác định, việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị, nguyện vọng của nhân dân.
Đồng thời, phải có tính bền vững, sức lan tỏa và khả năng nhận diện cao, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu, các chương trình trọng tâm được xác định trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đề ra.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025: 100% cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị trên toàn thành phố có kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; hằng năm, phát động xây dựng ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo” trong phạm vi nhiệm vụ chuyên môn, lĩnh vực hoạt động, công tác của địa phương, đơn vị mình.
Giai đoạn 2026-2030: cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục phát động xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” với số lượng phù hợp theo mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn mới, gắn với việc phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, có sức lan tỏa của giai đoạn 2023-2025.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 5, bên phải sang) và Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung (thứ 5, bên trái sang) trao chứng nhận mô hình "Dân vận khéo" cho các đơn vị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Những giải pháp trọng tâm gì để triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố thời gian đến?
- Thứ nhất, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm “dân là gốc” và quan điểm, tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách toàn diện, rộng khắp, thực chất và hiệu quả.
Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau, vì vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận cần được cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức đầy đủ và triển khai linh hoạt, phù hợp theo tình hình thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Thứ hai, chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình, xây dựng đăng ký và công nhận mô hình “Dân vận khéo”. Việc biểu dương mô hình “Dân vận khéo” phải bảo đảm các nguyên tắc, trong đó mô hình phải mang lại hiệu quả, kết quả cao, có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu tại nơi xây dựng, triển khai thực hiện mô hình.
Thứ ba, tập trung xây dựng, phát động thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ chính trị, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; tập trung đẩy mạnh thực hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và trong công tác tôn giáo - dân tộc.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, phát động triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận trên báo, đài, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội… của cơ quan, địa phương, đơn vị nhằm tạo không khí sôi nổi, phát động thực hiện phong trào “Dân vận khéo”.
Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua công tác kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực tiễn của phong trào, kịp thời rà soát, đánh giá, bảo đảm các mô hình được xây dựng thực chất, có hiệu quả, tránh chạy theo số lượng, hình thức hoặc chỉ mang tính trình diễn.
Thứ sáu, chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nâng cao chất lượng, phương thức thực hiện dân vận với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, với phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân”, nâng cao trách nhiệm với dân và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
* Để đề án sớm đi vào thực tiễn, Ban Dân vận Thành ủy chuẩn bị những gì?
- Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án, trong đó xác định giai đoạn 2023-2025 đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh “Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Đặc biệt, Ban sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy triển khai, đưa nội dung thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành tiêu chí đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên; phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án.
Giai đoạn 2026-2030, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hằng năm của giai đoạn 2026-2030; đồng thời theo dõi, tham mưu việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”…
Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tất cả cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp để phong trào ngày càng lan tỏa, mang lại những hiệu ứng tích cực, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ công tác xây dựng Đảng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng trên địa bàn thành phố.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện