Chính trị - Xã hội
Kết luận của UBTVQH về báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo số 2197/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trước đó, ngày 11-4, tại Phiên họp thứ 22, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 và kết luận như sau:
UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2022 với những kết quả tốt hơn các năm trước. Đây là lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV, UBTVQH tổ chức xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22-7-2022 của UBTVQH về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết số 560).
Báo cáo giám sát cho thấy, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, tiến hành thường xuyên, đồng bộ, có sự phối kết hợp giám sát văn bản với hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình. Qua giám sát đã nêu lên được nhiều điểm tích cực, đồng thời cũng chỉ ra những nhiệm vụ, nội dung được giao quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH chưa được ban hành; một số trường hợp ban hành chưa tuân thủ đúng các quy định về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; một số văn bản có nội dung chưa phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật và đã có các đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để khắc phục, sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của một số cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức; nội dung báo cáo và số liệu giám sát văn bản còn chưa thống nhất, thời gian gửi báo cáo chưa bảo đảm; việc tiến hành giám sát chưa theo đúng trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, giám sát, phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật; chưa chủ động phát hiện và kịp thời kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
UBTVQH giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; thực hiện nghiêm Thông báo số 1559/TB-TTKQH ngày 18-10-2022 tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023 và Thông báo số 1948/TB-TTKQH ngày 13-1-2023 tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560 của UBTVQH.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 560, coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục, có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, giám sát, phát hiện, xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 560.
Trong quá trình giám sát, khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần kịp thời trao đổi, đối thoại với đối tượng chịu sự giám sát để đi đến kết luận và có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với các hoạt động giám sát khác như: Giám sát chuyên đề, tổ chức phiên giải trình, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đi sâu nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về nội dung văn bản, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống.
Giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức họp bàn cụ thể, tiếp tục rà soát số liệu, các nhận định, đánh giá bảo đảm khách quan, chính xác, đúng pháp luật, đúng với thực tiễn, hoàn thiện báo cáo để gửi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và báo cáo các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, giúp Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Baotintuc.vn