Chính trị - Xã hội
Bài 2: Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn những mặt hạn chế, dẫn đến chất lượng giám sát, phản biện xã hội chưa phát huy hết hiệu quả.
Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hiên (quận Hải Châu) tổ chức hội nghị phản biện xã hội về mô hình “Ngõ gọn xe - Hè sạch rác” năm 2022. Ảnh: PV |
Đạt được kết quả nhưng chưa được như mong muốn
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các chính sách pháp luật của Nhà nước ban hành về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Thành ủy đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong toàn hệ thống chính trị thành phố. Qua đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí của Mặt trận và các đoàn thể dần được nâng lên.
Ông Ngô Xuân Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn những mặt hạn chế. Theo đó, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân chưa đầy đủ. Do giám sát mang tính nhân dân nên hiệu lực, hiệu quả không cao như các cuộc giám sát mang tính lãnh đạo (của Đảng) và giám sát mang tính quyền lực (của Quốc hội, HĐND).
Kết luận giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ dừng ở mức kiến nghị, đề xuất là chính, nên việc chấp hành và trả lời các kiến nghị của các đối tượng giám sát có nơi, có lúc còn xem nhẹ. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội có nơi chưa được chú trọng, chưa theo dõi, giám sát đến cùng việc cơ quan chức năng trả lời, giải quyết các kiến nghị. Hiệu lực, hiệu quả của các văn bản Mặt trận các cấp gửi đến các cơ quan hữu quan có lúc chưa được coi trọng…
Nhân lực Mặt trận cơ sở thiếu và yếu
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Bùi Nguyễn Tấn Phong, trong khi khối lượng công việc và yêu cầu triển khai giám sát của Mặt trận phủ khắp các mặt đời sống xã hội, nhưng nhân lực, biên chế dành cho khối Mặt trận rất hạn chế. Trước đây, khối Mặt trận có chủ tịch, 2 phó chủ tịch và chuyên viên giúp việc. Đến nay, ở cấp quận, chỉ còn chủ tịch (đồng thời là trưởng ban dân vận quận ủy) và 1 phó chủ tịch, chuyên viên giúp việc.
Ở cấp phường, chỉ còn chủ tịch và 1 phó chủ tịch là người hoạt động không chuyên trách. Ông Phong cho rằng, bên cạnh thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của Mặt trận hiện nay còn yếu. Hầu hết cán bộ Mặt trận không có trình độ chuyên sâu, chưa được bồi dưỡng, đào tạo bài bản về công tác giám sát và phản biện xã hội.
Do đó, khi triển khai giám sát và phản biện xã hội nếu không huy động được đội ngũ chuyên gia, người có trình độ chuyên môn sâu và mang tính độc lập với đối tượng được giám sát, rất khó để kết luận giám sát đưa ra các kiến nghị thực sự thuyết phục và có chiều sâu.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) Lê Bá Công đánh giá, với kinh phí hoạt động eo hẹp, chưa có cơ chế linh động nên việc mời các chuyên gia, người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực được giám sát và phản biện rất khó. “Muốn chỉ rõ vấn đề, phân tích kỹ, phản biện thuyết phục thì phải nắm vững chuyên môn, nắm rõ bản chất sự việc, vấn đề và có trình độ nhất định.
Nếu không mời chuyên gia, cán bộ Mặt trận cấp phường và khu dân cư không thể đạt đến trình độ đó. Còn mời chuyên gia, nhưng với chế độ chuyên gia ở cấp phường như hiện nay (khoảng 50.000 đồng) thì khó yêu cầu họ phát huy hết trí lực, tâm huyết cho cuộc giám sát hay phản biện”, ông Công nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hiên (quận Hải Châu) Phạm Đình Nguyên Kha cho rằng, việc tinh giản biên chế gây áp lực rất lớn đến Mặt trận phường. Dù là vai phó chủ tịch Mặt trận phường nhưng “không chuyên trách” nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà liệt kê những khó khăn trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, đáng kể như rất khó tìm người làm vị trí phó chủ tịch Mặt trận cấp phường vì họ không có biên chế. Đội ngũ cán bộ Mặt trận có trường hợp thiếu năng lực, kinh nghiệm, nhất là trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị, dẫn đến hạn chế khả năng phát hiện và đưa ra các giải pháp về các vấn đề đô thị trong các cuộc giám sát hay phản biện xã hội. Việc thiếu thông tin chính xác cũng tác động rất lớn đến hiệu quả giám sát, gây khó khăn cho công tác giám sát.
Băn khoăn về tính độc lập, chủ động
Có ý kiến vẫn còn băn khoăn về tính độc lập của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay.
Theo quy định, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có chức năng giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, việc giám sát người đứng đầu hiện nay, qua trao đổi với lãnh đạo Mặt trận các cấp đều cho rằng, còn tính hình thức. “Nếu Mặt trận cấp trên giám sát người đứng đầu ở cấp dưới thì có hiệu quả hơn. Còn Mặt trận giám sát người đứng đầu cùng cấp, sẽ rất khó giám sát”, lãnh đạo Mặt trận một phường ở quận Hải Châu chia sẻ.
Theo ông Phạm Đình Nguyên Kha, hiện nay công tác phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền vẫn còn nhiều bất cập. Chủ tịch UBND phường là chủ tài khoản, dù kinh phí hoạt động của Mặt trận do thành phố quy định, nhưng để rút kinh phí hoạt động, Mặt trận phường phải làm đề xuất và chờ Chủ tịch UBND phường thông qua.
Cơ chế này tạo ra sự bị động nhất định. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) Nguyễn Nhị thừa nhận, kinh phí hoạt động của Mặt trận bao gồm cả giám sát và phản biện xã hội cùng các hoạt động khác có hạn, dẫn tới hiệu quả chỉ mang tính hình thức.
“Thực tế, hệ thống giám sát cộng đồng ở dưới các khu dân cư hiệu quả rất ít. Ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm vì cộng đồng, họ không có chế tài bắt buộc, không có chuyên môn, trình độ, kinh phí hỗ trợ cũng rất thấp, nên hạn chế là tất yếu. Trong khi vấn đề quản lý đô thị hiện nay muôn hình vạn trạng. Một số vi phạm dẫn đến kỷ luật ở một số nơi liên quan đến các dự án hạ tầng cơ sở cho thấy rõ hạn chế vai trò giám sát cộng đồng”, ông Nhị nói.
Hy vọng rằng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra từ cơ sở được giải quyết thấu đáo, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ phát huy được hiệu quả như mong muốn.
TRỌNG HUY - TRỌNG HÙNG