Chính trị - Xã hội
Phát huy vai trò người cao tuổi xây dựng Đảng, chính quyền
Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều người cao tuổi sau khi nghỉ hưu đã gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh và nhiều hoạt động phong trào tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
Ông Lê Tấn Mới (bên phải) trao quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê). Ảnh: N.Q |
Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố, hiện nay trên địa bàn có 112.747 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 9,95% dân số; số lượng hội viên là 97.440 người. Trong tổng số người cao tuổi, có 60% còn khả năng lao động, đây là nguồn lực quan trọng trong cộng đồng xã hội, là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đối với hệ thống chính trị cơ sở, người cao tuổi phát huy kinh nghiệm, uy tín trong cộng động, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đóng góp hiệu quả trong xây dựng Đảng và chính quyền ở mỗi địa phương.
Nhiều năm công tác tại Phòng Hồ sơ Công an thành phố và nghỉ hưu với quân hàm Trung tá (năm 2003), bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1952, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) tiếp tục góp sức, trí lực trong hoạt động xã hội tại địa phương. Với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Chính, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận 2 Tân Ninh A, bà Nhung phát huy kinh nghiệm, tâm huyết nhằm tập hợp, động viên, giúp đỡ người dân, được chính quyền ghi nhận, nhân dân đánh giá cao.
Đến nay, gần 80 hộ dân tại tổ 10 khu dân cư 2 Tân Ninh A không quên hình ảnh người phụ nữ tuổi ngoài 70 cần mẫn đến từng nhà người dân hỗ trợ nhu yếu phẩm trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp cuối tháng 7-2021. Đối diện với dịch bệnh khó lường, bà Nhung không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng có mặt khi người dân cần, được bà con yêu quý. Những suất cơm ấm áp nghĩa tình do bà và các thành viên trong ban điều hành khu dân cư nấu thường xuyên được trao tặng cho lực lượng chống dịch tại các chốt trên địa bàn.
Gần 10 năm trong vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Chính là quãng thời gian bà Nhung dành sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Đều đặn hằng năm, bà tích cực vận động các nguồn lực hơn 10 triệu đồng cho quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều năm tham gia tích cực trong các hoạt động tại địa phương, bà Nhung được chính quyền các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, mới đây nhất là bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố về “thành tích đóng góp trong xây dựng và phát triển công tác Mặt trận tại khu dân cư trên địa bàn thành phố” năm 2021.
Công tác tại Cảng Đà Nẵng, về hưu năm 2005, ông Lê Tấn Mới (SN 1959, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng chính quyền địa phương. Ngoài vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Vĩnh Trung, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học phường, Phó Bí thư Chi bộ Trung Hòa A2 (phường Vĩnh Trung). Hơn 5 năm qua, trong vài trò Chủ tịch Hội Khuyến học phường, ông Mới luôn sâu sát, quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Năm 2022, ông vận động các nguồn lực để khen thưởng cho 1.078 học sinh khá, giỏi trên địa bàn với số tiền gần 350 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với cán bộ văn hóa địa phương khảo sát và chọn 14 em học sinh trong diện hộ nghèo để trao học bổng; phối hợp chính quyền khen thưởng 46 học sinh đậu đại học năm 2022.
Năm 2022, ông Mới được Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, người dân địa phương quen thuộc với ông Mới trong những buổi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến từng hộ dân. Ông Mới thường xuyên vận động các nguồn lực hỗ trợ, trực tiếp đến thăm, trao quà cho người cao tuổi khó khăn, đau ốm.
Theo Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Phạm Quý, với ưu thế có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tin tưởng, động viên, giao việc. Hầu hết các khu dân cư hiện nay phần lớn đều do người cao tuổi đảm nhiệm các công việc từ cấp ủy Đảng, Ban công tác Mặt trận,… Người cao tuổi góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp, nghĩa tình dòng tộc, làng xóm.
“Thời gian tới, các cấp Hội Người cao tuổi thành phố tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình hội viên; vận động cán bộ, hội viên tham gia làm cán bộ nòng cốt ở các tổ chức chính trị, xã hội trong khu dân cư, làm hạt nhân, nòng cốt góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, chúng tôi sẽ lồng ghép các phong trào thi đua như “Tuổi cao - Gương sáng”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình người cao tuổi văn hóa”,… nhằm góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở từng địa phương, địa bàn, cơ sở”, ông Phạm Quý chia sẻ.
Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố, hiện nay trên địa bàn có 5.997 người cao tuổi tham gia công tác cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở; hơn 4.200 người cao tuổi tham gia ban chấp hành các hội xã hội, từ thiện, khuyến học. |
NGỌC QUỐC