Sớm xây công trình kiên cố khắc phục sạt lở tại đèo La Ngà

.

Lũ quét lịch sử xảy ra trên sông Cu Đê ngày 14-10-2022 làm mái taluy âm và một phần mặt đường ĐT.601 đoạn giữa đèo La Ngà (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) bị sạt lở nghiêm trọng. Do vệt lở ở sát đập dâng Nam Mỹ (phía thượng lưu) và ở chính diện với dòng chảy của sông Cu Đê khi có lũ nên cần phải được xử lý, khắc phục kiên cố trước mùa mưa bão sắp đến để tránh nguy cơ bị lũ cuốn sập đường ĐT.601 cũng như bảo đảm an toàn đập dâng nói trên.

Vệt sạt lở nghiêm trọng tại đèo La Ngà cần sớm được thi công công trình kiên cố để chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho đường ĐT.601 và đập dâng Nam Mỹ. Ảnh: H.H
Vệt sạt lở nghiêm trọng tại đèo La Ngà cần sớm được thi công công trình kiên cố để chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho đường ĐT.601 và đập dâng Nam Mỹ. Ảnh: H.H

Qua tìm hiểu, mái taluy âm đường ĐT.601 đoạn qua đèo La Ngà có vị trí khoét sâu vào khoảng 1/3 mặt đường nhựa tạo hàm ếch và tiềm ẩn nguy cơ trượt, sập đường xuống sông Cu Đê. Trong khi đó, ở taluy dương, nhiều đất, đá cũng đổ xuống mặt đường. Theo Sở Giao thông vận tải, tường chắn bằng rọ đá để chắn sạt lở chỉ có thể có chiều cao không quá lớn (thấp hơn 7m), trong khi đó, khu vực đèo La Ngà mái taluy khá cao, có vị trí cao đến 12m và lại ở chính diện với dòng chảy của sông Cu Đê nên cần thiết phải triển khai công trình kiên cố khắc phục sạt lở sớm, trước mùa mưa lũ. Vệt sạt lở tuyến sạt lở tại đèo La Ngà nằm trong vùng hành lang an toàn đường bộ của đường ĐT.601 và hành lang an toàn đập dâng, lòng hồ của đập dâng Nam Mỹ - một công trình phụ trợ quan trọng của Nhà máy nước Hòa Liên.

Tuy nhiên, việc sử dụng kinh phí dự phòng của cả 2 dự án đều có những vướng mắc nhất định. Hiện tại, kinh phí dự phòng còn lại của dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.601 không đủ để triển khai kiên cố vệt sạt lở này. Việc sử dụng kinh phí dự phòng của dự án Nhà máy nước Hòa Liên để triển khai công trình kiên cố khắc phục sạt lở tại đèo La Ngà có ảnh hưởng đến việc bàn giao, vận hành, khai thác dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.601) Nguyễn Minh Huy cho hay, chi phí dự phòng của dự án ĐT.601 đã và đang được sử dụng cho công tác điều chỉnh bổ sung thiết kế, khắc phục các hư hỏng khác trên tuyến do mưa lũ năm 2022 và điều chỉnh bù giá các gói thầu theo hợp đồng…, nên chi phí dự phòng còn lại không đáp ứng đủ để tiếp tục thực hiện kiên cố hóa đoạn sạt lở qua đèo La Ngà nói trên. Mặt khác, trường hợp khắc phục kiên cố mà vượt mức chi phí dự phòng và tổng mức đầu tư dự án…, phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng thì thủ tục triển khai tiếp theo sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian, không đáp ứng được việc khẩn trương xử lý khắc phục bảo đảm an toàn cho công trình. Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét báo cáo UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (đơn vị được giao điều hành dự án Nhà máy nước Hòa Liên) tiếp tục xem xét, rà soát tác động dòng chảy khu vực lòng hồ thượng lưu đập dâng Nam Mỹ, hành lang an toàn đập dâng, khu vực có nguy cơ sạt lở..., để nghiên cứu xây dựng bổ sung, kéo dài thêm hạng mục gia cố mái taluy lòng hồ dọc theo đường ĐT.601, tiếp nối với hạng mục gia cố đã được xây dựng trước đó nhằm bảo đảm kiên cố, bền vững cho các công trình.

Một căn cứ mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đề xuất nêu trên là tại Quyết định số 1847/QĐ-UBND ngày 25-4-2019 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết lòng hồ tại đập dâng Nam Mỹ thuộc các công trình phụ trợ Nhà máy nước Hòa Liên có nội dung chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng có trách nhiệm khảo sát kỹ hiện trạng sông Cu Đê, xác định cụ thể vị trí nền đất yếu, có nguy cơ sạt lở và đề xuất các hạng mục kè cùng các giải pháp khác bảo đảm an toàn khu vực. “Trước mắt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã chỉ đạo nhà thầu triển khai xử lý sạt lở bước 1 bằng kè rọ đá để hạn chế xói lở thêm mái taluy âm của đường ĐT.601 và bảo đảm giao thông tại đèo La Ngà. Giải pháp thi công khắc phục tạm này đã được Sở Giao thông vận tải thống nhất”, ông Nguyễn Minh Huy cho biết.

Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, với nguồn vốn dự phòng còn lại của dự án Nhà máy nước Hòa Liên là 45,7 tỷ đồng, đủ để đầu tư kè chống sạt lở taluy âm của đường ĐT.601 đoạn qua đèo La Ngà theo như khái toán của đơn vị tư vấn thiết kế. Tuy nhiên, công trình Nhà máy nước Hòa Liên đang được triển khai bàn giao và quyết toán nên đơn vị đề nghị thành phố xem xét, đề xuất phương án đưa công trình xử lý gia cố taluy đường ĐT.601 vào dự án Nhà máy nước Hòa Liên nếu việc sử dụng nguồn kinh phí dự phòng còn lại của dự án không làm ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán, bàn giao tài sản cũng như đưa vào vận hành, khai thác dự án. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng Lương Thạch Vỹ cho hay: “Mới đây, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị liên quan lập một dự án mới để đầu tư kè gia cố bờ sông tại khu vực đèo La Ngà nên hiện nay chưa thi công khắc phục sạt lở bước 2, mà phải làm thủ tục xây dựng cơ bản mới thi công”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.