Chính trị - Xã hội
Xem xét phương án tiếp tục hỗ trợ cho người lao động
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 116/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại phiên họp tháng 4 năm 2023 của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ngày 4-4-2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp tháng 4 năm 2023 của Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ban Chỉ đạo).
Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo thay mặt cho Ủy viên Ban Chỉ đạo thuộc các Bộ: Y tế, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao các Bộ, cơ quan trong thời gian qua đã rất nỗ lực, cố gắng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, rõ ràng về tình hình triển khai thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, thảo luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ khẩn trương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề xuất, kiến nghị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 08 tháng 4 năm 2023. Trong đó lưu ý: Bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP; làm rõ những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế; nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Dự kiến khả năng giải ngân thực hiện các chính sách thuộc Chương trình đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguồn lực còn dư để đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung cho các chính sách khác, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có khả năng hoàn thành trong năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các nội dung tại Báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương nêu trên, dự thảo Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bảo đảm rõ ràng, thuyết phục, gắn với số liệu chứng minh khoa học, cụ thể, báo cáo Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2023
Trong đó nghiên cứu, báo cáo, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội để trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với nguồn lực còn dư của các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó xem xét phương án tiếp tục hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để trao đổi, thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với nguồn lực còn dư của chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó xem xét phương án miễn, giảm thuế như nhiều ý kiến tại cuộc họp, phương án giảm bội chi ngân sách nhà nước như ý kiến của Bộ Tài chính tại cuộc họp.
Nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với nguồn lực còn dư của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo Baotintuc.vn