Chính trị - Xã hội

Hạnh phúc từ chương trình 'Xe đẩy yêu thương'

17:51, 25/05/2023 (GMT+7)

ĐNO - Sau hơn một năm triển khai, chương trình “Xe đẩy yêu thương” của Phòng Công tác xã hội (CTXH) thuộc Bệnh viện Phụ Sản- Nhi Đà Nẵng, không chỉ san sẻ nỗi vất vả của người nhà bệnh nhân mà còn mang đến niềm vui cho những người sáng lập và tham gia tặng xe cho chương trình.

Người nhà bệnh nhân
Để mượn xe, người nhà bệnh nhân cần xuất trình giấy tờ cá nhân và sẽ được hoàn trả khi trả lại xe đẩy.

Chị Trần Cao Thanh Bình (Trưởng phòng Công tác xã hội) cho biết, nhìn phụ huynh ở những nơi xa như Quảng Nam, Quảng Ngãi dẫn con đến khám phải một tay bồng bế con nhỏ, một tay lỉnh kỉnh với bao nhiêu đồ đạc, bản thân những nhân viên cũng là một người mẹ, người ba nên hơn ai hết rất thấu hiểu nỗi vất vả đó. Các nhân viên đã không ngừng trăn trở, phải làm sao để giúp người nhà bệnh nhân bớt đi một phần vất vả?. Đó là lý do chương trình “Xe đẩy yêu thương” ra đời.

“Những ngày đầu tiên khi phát động chương trình, chúng tôi rất lo lắng vì sợ không nhận được nhiều xe. Nên khi có người liên lạc tặng xe, dù người cho ở những khu vực xa thành phố, các nhân viên của phòng cũng sẵn sàng đến nhận về”, chị Bình cho hay.

Chương trình “Xe đẩy yêu thương” tiếp nhận những xe đẩy cũ, còn khả năng sử dụng tốt. Xe khi tiếp nhận sẽ được các nhân viên của phòng CTXH giặt sạch, sơn ký hiệu của bệnh viện trước khi đưa vào sử dụng. Vào cuối ngày, xe đẩy sẽ được vệ sinh bằng cồn y tế để khử trùng. Đến cuối tuần, xe được nhân viên luân phiên nhau giặt sạch. Từ con số không, sau hơn một năm, chương trình đã tiếp nhận 63 xe đẩy dành cho từng lứa tuổi khác nhau.

Khoảng thời gian đầu triển khai cho mượn xe miễn phí, các nhân viên của phòng thường xuyên có mặt tại sảnh chờ, hướng dẫn tận tình để người nhà bệnh nhân biết đến chương trình. Khi mượn xe, người nhà chỉ cần để lại giấy tờ cá nhân, không quy định số giờ mượn xe.

Chị Kiều Thị Tình
Chị Kiều Thị Tình (áo vàng) hạnh phúc khi nhìn con ngủ say giấc trên xe đẩy.

Con bị sốt cao, chị Kiều Thị Tình (SN 1988) cùng mẹ phải đưa hai con nhỏ từ Hội An ra Đà Nẵng chữa bệnh. Vì nhà xa nên hành lý mang theo cũng lỉnh kỉnh với nhiều đồ đạc như sữa, bỉm, quần áo, đồ ăn dặm,... Cả hai người một tay bồng bế, một tay mang đồ đạc trên vai, bước từng bước nặng nề vào sảnh chờ. Sau khi mượn được xe đẩy tại quầy hướng dẫn, đặt các con, cháu vào từng xe, hai mẹ con mới thở phào nhẹ nhõm, bước chân di chuyển cũng nhanh hơn. Tranh thủ lúc con ngủ say trên xe trong khi chờ khám, chị và mẹ ăn vội buổi sáng với ổ bánh mì đã chuẩn bị sẵn.

Vừa ăn, chị Tình vừa trò chuyện: “Chúng tôi tới đây đã hơn hai tiếng, nếu không có xe đẩy của bệnh viện thì mình phải liên tục bế con trong khoảng thời gian đó. Trời lạnh thì còn đỡ, nay trời nóng nực, bế con lâu như thế, không chỉ mẹ mệt mà con cũng mệt, dễ quấy khóc hơn. Mà bế con trên tay thì chưa chắc giờ này đã được ăn sáng”.

Những chiếc xe đẩy
Nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám bệnh đều có nhu cầu mượn xe đẩy của bệnh viện.

Nhiều lần đưa con đến khám tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1984, trú tại quận Sơn Trà) phải vừa bế con, vừa đi lại làm giấy tờ, chờ khám khiến cả mẹ và bé đều thấm mệt. Thấy vậy, nhân viên của phòng CTXH đã cho chị Trang mượn xe đẩy để bé ngồi và hướng dẫn tận tình trong quá trình hai mẹ con làm thủ tục khám bệnh.

“Nhờ có xe đẩy, con tôi có thể chợp mắt ngon lành và thoải mái trong khi chờ khám. Em bé không còn mệt mỏi, nóng nực khi mẹ bồng bế và mẹ cũng rất khỏe khi không phải vừa tay xách nách mang, vừa bồng con. Là một người mẹ, tôi thấy đây là một chương trình rất nhân văn và ý nghĩa của bệnh viện đối với các bệnh nhân nhi”, chị Trang chia sẻ.

Chính vì vậy, khi về nhà, chị Trang đã tặng lại chương trình 1 chiếc xe đẩy không dùng đến để giúp thêm được nhiều bệnh nhi khác trong quá trình thăm khám tại bệnh viện.

Dẫn tôi dạo quanh một vòng ở từng khu khám, chữa bệnh, chị Đoàn Thị Hồng Vân (nhân viên phòng CTXH) không giấu nổi nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy có bé đang chơi đùa vui vẻ, có bé đang ngủ ngon trên những chiếc xe đẩy của bệnh viện trong lúc chờ đến lượt khám.

Vừa đi, chị vừa kể: “Có lần, một em bé đã nôn trên xe đẩy. Mẹ của bé rất lo sợ. Nhưng chúng tôi trấn an chị không sao, chúng tôi sẽ giặt xe và chị có thể mượn xe khác. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ, may quá, nếu không nằm trên xe đẩy, em bé đã có thể nôn lên người mẹ”.

Đối với chị Vân và những nhân viên khác của phòng CTXH, hạnh phúc là khi được giúp đỡ, được san sẻ với người bệnh, niềm hạnh phúc của họ là phần thưởng lớn nhất mà chị nhận được khi thực hiện chương trình.

Bên cạnh niềm vui, chị Vân vẫn còn đau đáu nỗi bận tâm. Chị cho hay, số xe đẩy hiện tại chỉ đủ cho nhu cầu của bệnh nhân khám ngoại trú, còn rất nhiều bệnh nhân nội trụ khác cũng mong muốn được sử dụng xe đẩy. Vì vậy, chị hy vọng, chương trình sẽ được lan toả sâu rộng để có thêm thật nhiều xe đẩy cho bệnh nhi và vơi đi một phần vất vả cho người nhà bệnh nhân.

Các nhân viên Phòng CTXH sơn ký hiệu vào các xe đẩy.
Các nhân viên công tác xã hội (Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng) sơn ký hiệu vào các xe đẩy.

THU DUYÊN

.