Chính trị - Xã hội

Nâng cao hiệu quả giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em

17:48, 27/05/2023 (GMT+7)

ĐNO - Thời gian qua, thành phố quan tâm đến an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần đem lại môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho trẻ phát triển toàn diện. 

Trẻ em cần được quan tâm để phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ em cần được quan tâm để phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó phòng Bảo trợ Xã hội và trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện toàn thành phố có 299.088 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% dân số; trong đó, 3.174 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 1,06% số trẻ em, hơn 11.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội…). 

Việc chăm sóc trẻ em cón hoàn cảnh đặc biệt đang được thành phố rất quan tâm nhằm tạo cho các em một môi trường tốt để phát triển. Làng Hy Vọng (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố) đang nuôi dạy hàng trăm em, trong đó có những em khiếm thính. Em Trần Linh Giang (SN 2011) là một trong số đó. Em có hoàn cảnh rất đáng thương, mẹ mất sớm, ba bỏ đi biền biệt, em ở với bà ngoại. Hoàn cảnh bà rất khó khăn nên em được Làng Hy Vọng hiện nhận nuôi cho ăn học. Năm nào Giang cũng đạt học sinh xuất sắc và giành nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố.

“Ở làng cháu được các mẹ và thầy cô yêu thương, chỉ dạy chu đáo, cháu được đi học đầy đủ. Thầy cô thường xuyên tổ chức cho các cháu sinh hoạt, vui chơi. Thỉnh thoảng có các anh chị sinh viên đến tổ chức văn nghệ, giao lưu rất vui. Cháu rất thích”, Giang chia sẻ

Thành phố đã ban hành, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục cho trẻ em, nhất là tạo điều kiện để trẻ tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Theo thông tin từ Thành đoàn, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Thành đoàn - Hội đồng đội thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thiếu nhi, bảo đảm các quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí. 

Trong giai đoạn 2012-2022, toàn thành phố đã có hơn 55.000 hoạt động tham quan trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, bảo tàng, nhà văn hóa, các không gian sáng tạo nghiên cứu khoa học với hơn 430.000 lượt thiếu nhi tham gia.

Bên cạnh đó, Thành đoàn - Hội đồng đội thành phố quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học đường, giáo dục thiếu nhi xây dựng thói quen tâm lý lành mạnh, hướng dẫn các phương pháp xử lý tình huống khẩn cấp, kỹ năng giao tiếp, tiếp nhận thông tin và chia sẻ cảm xúc thông qua các hoạt động tham vấn tâm lý.

Theo đó, các cấp bộ Đoàn - Đội trên địa bàn thành phố đã triển khai trên 91.000 hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi và cán bộ phụ trách thiếu nhi với sự tham gia của hơn 130.000 người mỗi năm và là một trong những hoạt động thiết thực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của trẻ em và người giám hộ trẻ em.

Thời gian qua, Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phương pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về công tác phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em qua đó cũng được phát hiện và giải quyết tốt hơn.

Được biết, đến nay, tất cả các xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, trong đó có Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, phường. Thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác trẻ em, chỉ đạo, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương về thực hiện công tác trẻ em; chỉ đạo phối hợp thực hiện liên ngành chặt chẽ, đồng bộ trong công tác bảo vệ trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin và thực hiện quyền tham gia của trẻ em; phòng ngừa, xử lý, hỗ trợ can thiệp đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em.

Toàn thành phố có 20/56 phường, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao có đầy đủ các thành phần chính; 29/56 phường, xã có một số hạng mục của Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao do nhà nước quản lý, hiện còn có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em do tư nhân đầu tư và hội đoàn thể vận động xây dựng.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em; phát hiện, tố giác, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả các loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm tăng cường nguồn lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp  luật về trẻ em; phát hiện, tố giác và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quyền trẻ em. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến công tác trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo môi trường cho trẻ em được thực hiện tốt các quyền của trẻ em. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Các địa phương cần tiếp nhận trẻ em kịp thời từ các trường học và tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè phù hợp với độ tuổi; đảm bảo an toàn trong quá trình sinh hoạt tại cộng đồng cũng như trẻ em tham gia các hoạt động dã ngoại khác, nhất là thực hiện phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông. Tổ chức các diễn đàn để trẻ em đối thoại nâng cao hiểu biết về quyền của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Có như vậy mới có thể tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển.

ÁNH LINH

.