Chính trị - Xã hội

Nắng nóng gay gắt ở phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa - Phú Yên có khả năng kéo dài

06:05, 05/05/2023 (GMT+7)

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở các khu vực phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến ngày 7-5. Nắng nóng ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 7-5 giảm dần.

Theo dự báo, nắng nóng gay gắt ở phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa - Phú Yên có khả năng kéo dài đến ngày 7/5. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt ở phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa - Phú Yên có khả năng kéo dài đến ngày 7-5. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 5-5, các khu vực phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; riêng phía Đông Bắc Bộ ngày 6-5 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.

Cụ thể, ngày 5-5, phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C, thời gian nắng nóng từ 10-18 giờ, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.

Phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, thời gian nắng nóng từ 11-17 giờ, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.

Ngày 6-5, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C, thời gian nắng nóng từ 10-18 giờ, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, thời gian nắng nóng từ 11-17 giờ, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, người dân phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.

Người dân cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng.

Ngoài ra, người dân cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng...

Theo TTXVN

.