Chính trị - Xã hội
Những người "Mẹ đỡ đầu" của trẻ em kém may mắn
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, Hội LHPN thành phố triển khai hơn 1 năm qua mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Để có được thành công này, cán bộ, hội viên phụ nữ - những người trực tiếp nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do Covid-19 đóng vai trò rất lớn, là điểm tựa cả về vật chất và tinh thần giúp các em mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường tương lai phía trước.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (bên trái) thăm, tặng quà các em mồ côi do Thành Hội nhận đỡ đầu. Ảnh: X.D |
Tính đến nay, toàn thành phố có 437 trẻ mồ côi được các cấp hội phụ nữ và các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc trong giai đoạn 2022-2026, với tổng số tiền hỗ trợ trên 13 tỷ đồng/5 năm. Trong đó, riêng huyện Hòa Vang có 141 em được các cấp hội kết nối các đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu.
Nổi bật trong các gương “Mẹ đỡ đầu” ở huyện Hòa Vang phải nói đến chị Phạm Thị Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng, với việc vận động công ty đứng ra nhận đỡ đầu 10 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Các em này gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19 và các lý do khác, ở các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước. Chị Thủy và công ty nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho mỗi em 500.000 đồng/tháng trong thời gian 5 năm với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Bên cạnh hỗ trợ vật chất, chị Thủy cùng công ty thường xuyên dành thời gian đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần gia đình cố gắng chăm sóc và giáo dục các em thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Chị Thủy bày tỏ, kinh phí hỗ trợ không lớn, song sẽ phần nào giúp gia đình có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe, chăm lo việc học hành của các em.
Điều quan trọng hơn là góp phần xoa dịu nỗi mất đi người thân cho gia đình, đồng thời giúp các em cảm nhận được cộng đồng, xã hội luôn đồng hành, hỗ trợ trên từng chặng đường, để sau này các em khôn lớn, thành công cũng sẽ trở thành người tốt, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. “Công ty chúng tôi rất quan tâm đến chương trình “Mẹ đỡ đầu” và cam kết đồng hành cùng các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, chăm sóc những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, là điểm tựa để giúp các em vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập và phát triển tốt hơn”, chị Thủy chia sẻ.
Hơn 20 năm công tác trong hội phụ nữ, chị Trần Thị Thu Hiền, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Bách Khoa, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) luôn được người dân trong khu dân cư tin yêu, tín nhiệm. Năm 2022, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, song Chi hội Phụ nữ Bách Khoa lại không có trẻ em mồ côi nên chị Hiền đã chủ động động liên hệ với các chi hội khác trên địa bàn phường, đứng ra nhận đỡ đầu em Phạm Thị Ánh Ly, ở Chi hội Phụ nữ Thanh Vinh 1. Em Ly là trẻ em mồ côi cha từ nhỏ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hiện đang học lớp 10 Trường THPT Liên Chiểu.
Thời gian chị nhận đỡ đầu đến khi em tốt nghiệp THPT và học nghề xong, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị thường xuyên quan tâm, hỗ trợ quần áo, sách vở cho em tới trường. “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Có trực tiếp đỡ đầu, gần gũi các em với thực sự thấu hiểu, cảm thông và thấy rõ giá trị của gia đình. Việc làm này cũng giúp tôi thêm yêu, trân trọng những người thân xung quanh mình”, chị Hiền bày tỏ.
Ở quận Sơn Trà cũng có một người “Mẹ đỡ đầu” đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ khác noi gương, đó là chị Nguyễn Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 57, phường An Hải Bắc. Trước hoàn cảnh em Trần Thị Ngọc Thảo, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, mồ côi mẹ từ nhỏ, cha làm thợ xây, thu nhập không ổn định, chị Thu đã bàn bạc với chi bộ và quyết định nhận đỡ đầu em với kinh phí 6 triệu đồng/năm.
Để có nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên, chi hội đã duy trì hiệu quả hoạt động thu gom rác thải tại nguồn để gây quỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, số tiền thu được từ hoạt động này khá nhỏ (2,3 triệu đồng), nên chị tự bỏ tiền túi và vận động thêm để giúp đỡ em Thảo. Ngoài ra, vào những dịp lễ, Tết Trung thu, đầu năm học, chị vận động chi bộ, mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, thăm hỏi động viên em Thảo phấn đấu học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách và tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Điều khiến chị được các hội viên phụ nữ nể phục là hoàn cảnh gia đình chị Thu cũng còn khó khăn, hằng ngày phải đi bán bánh cam, bánh tiêu ở cổng khu công nghiệp để có thêm thu nhập, song chị vẫn quyết tâm, cố gắng hết sức để hỗ trợ cho em Thảo vững bước đến trường. Theo chị Thu, tính chất “đỡ đầu” của chương trình không chỉ là vận động nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là các con sẽ nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của những người mẹ.
Đồng thời, chương trình cũng thể hiện phẩm chất, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ và tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. “Niềm hạnh phúc của tôi là Thảo ngoan ngoãn, chăm học và rất hiểu chuyện. Em thi đỗ được vào Trường THPT Hoàng Hoa Thám khiến tôi rất tự hào, vui mừng và có thêm động lực để cố gắng hơn nữa. Đây không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, mà còn giúp các em có thêm điều kiện học tập, phát triển và trưởng thành”, chị Thu bộc bạch.
THIÊN DUYÊN