Chính trị - Xã hội

Siết chặt quản lý an toàn lao động tại các công trình xây dựng

09:57, 27/05/2023 (GMT+7)

Vụ tai nạn lao động diễn ra trên địa bàn quận Hải Châu khiến 2 người chết, 3 người bị thương, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động tại các công trình xây dựng. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp quản lý, kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng này.

Công nhân không mang áo, mũ bảo hộ lao động tại một công trình trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: P.N
Công nhân không mang áo, mũ bảo hộ lao động tại một công trình trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: P.N

Rạng sáng ngày 25-5, Công trình dự án Tòa nhà tập đoàn Polyco, số 34-36 đường 2 Tháng 9 (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) do Phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu thẩm định thiết kế, UBND quận Hải Châu cấp phép xây dựng đã xảy ra vụ sập giàn bê-tông, khiến 2 người chết, 3 người bị thương. Theo số liệu thống kê, ngoài công trình trên, tính từ đầu năm đến nay, UBND quận Hải Châu cấp giấy phép xây dựng cho 422 công trình xây dựng trên địa bàn.

Theo ghi nhận tại một số công trình đang thi công, nhiều người lao động không trang bị đồ bảo hộ lao động, việc che chắn tại các công trình tuy có nhưng rất sơ sài. Tại ngã tư đường Trần Văn Trứ và Bình Minh 5 (quận Hải Châu) có 2 công trình đang xây dựng nhưng rất ít công nhân trang bị đồ bảo hộ như nón, áo quần chuyên dụng, dây đeo... Bên cạnh đó, việc che chắn tại đây khá sơ sài. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại công trình xây dựng tại góc đường 2-9 giao với đường Bình Minh 4.

Tương tự, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thời điểm này, nhiều công trình xây dựng cũng đang đẩy nhanh tiến độ và không khó bắt gặp hình ảnh công nhân không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình thi công. Tại một công trình nhà ở dân sinh trên đường Quảng Nam (phường Hòa Quý) có khoảng 6 công nhân đang chuẩn bị các công đoạn cần thiết cho việc đổ bê-tông tầng thứ 3 của ngôi nhà, nhưng tất cả đều không mang mũ và áo bảo hộ. Tương tự, tại một công trình trên đường Lê Văn Hiến (phường Khuê Mỹ), công nhân không mặc áo bảo hộ, đầu chỉ đội mũ lát chống nắng, liên tục di chuyển trên thang nhôm có sàn lót gỗ. Tuy nhiên, nhiều sàn gỗ đã cũ mục, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Anh Trần Văn Sơn, công nhân tại một công trình xây dựng dân sinh ở quận Ngũ Hành Sơn thổ lộ: “Tôi và những công nhân ở đây ít khi sử dụng thiết bị bảo hộ lao động như mũ, áo… vì cho rằng đây là công trình nhỏ, ít nguy hiểm. Chưa kể mặc áo, đội mũ làm việc trong những ngày nắng nóng rất khó chịu, ảnh hưởng công việc. Nhà thầu cũng ít khi nhắc nhở nên chúng tôi cứ mặc bình thường cho thoải mái”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy, UBND quận thường xuyên kiểm tra việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các công trình xây dựng. Từ đầu năm đến nay, UBND quận kiểm tra 309 công trình và phát hiện 5 trường hợp sai phạm (3 trường hợp xây dựng sai giấy phép, 1 trường hợp sửa chữa cải tạo công trình sai phép, 1 trường hợp tập kết vật liệu xây dựng sai quy định), xử phạt gần 61,5 triệu đồng.

Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, 3 người bị thương nặng. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết, riêng trong lĩnh vực xây dựng, sở thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác bảo đảm ATVSLĐ trong thi công xây dựng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là các công trình xây dựng có tầng hầm, công trình xây dựng cao tầng có lắp đặt, sử dụng thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

“Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 1-6-2021 của UBND thành phố về ban hành quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, thì UBND các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý chất lượng xây dựng theo phân cấp đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn quản lý của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp; có trách nhiệm hướng dẫn UBND xã, phường báo cáo sự cố công trình xây dựng theo quy định của pháp luật; chủ trì giải quyết các sự cố, tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng cấp II, cấp III theo quy định pháp luật”, ông Hoàng nói thêm.

Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng cho hay, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn tại các công trình đang xây dựng trên địa bàn thành phố, sở tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, nhất là công trình có quy mô lớn, cao tầng, sử dụng máy móc, thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc quản lý ATVSLĐ trong thi công xây dựng công trình bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Liên quan đến sự cố sập giàn bê-tông tại công trình xây dựng ở số 34-36 đường 2 Tháng 9, Sở Xây dựng có Văn bản số 3661/SXD-QLCL gửi UBND quận Hải Châu, UBND phường Bình Hiên đề nghị trương chủ trì giải quyết sự cố, tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; có trách nhiệm đối với người lao động theo đúng quy định. Ngoài ra, hướng dẫn chủ đầu tư lập, lưu trữ hồ sơ sự cố theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26-1-2021 của Chính phủ.

NHÓM PV VĂN HÓA - XÃ HỘI

.