Chính trị - Xã hội

Tổ quốc nhìn từ biển

08:48, 11/05/2023 (GMT+7)

Gần 30 năm quân ngũ, đã từng thực hiện nhiệm vụ từ biên giới đến đồng bằng, song chuyến công tác vào cuối tháng 4-2023 trên con tàu KN390 đến với Trường Sa và nhà giàn DK1 đã cho người lính chúng tôi hiểu thêm về Tổ quốc, tự hào hơn về người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại diện đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
Đại diện đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. ẢNH: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

Lễ chào cờ trên Song Tử Tây

Xuất phát từ Đà Nẵng, tàu KN390 thuộc Vùng 3 Hải quân, đưa hơn 200 đại biểu Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đến điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây vào lúc 7 giờ sáng ngày 24-4, sau đúng 2 ngày lênh đênh trên biển. Lên đảo, ngay lập tức các thành viên đoàn công tác số 7 được tham dự lễ chào cờ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây.

Quân và dân đồng thanh hát vang Quốc ca, từng lời của bài hát thể hiện sức mạnh, niềm tự hào, lòng yêu nước, gắn bó máu thịt và trách nhiệm của mỗi người với Tổ quốc. Từng lời “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng như thấm vào tim của từng đại biểu trong đoàn công tác số 7. Đã dự và điều hành hàng nghìn lễ chào cờ trong cuộc đời quân ngũ nhưng giây phút 10 lời thề danh dự của quân nhân được vang lên giữa đảo, trong tôi dâng trào niềm tự hào về người lính vì sự linh thiêng và trang trọng của buổi lễ. Mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay trên nền trời Tổ quốc…

“Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao, khổ hạnh cũng không nản lòng, vào sống ra chết không nản chí, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua… Xin thề, Xin thề…”- 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên giữa biển trời, hòa trong tiếng sóng. Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của người chiến sĩ trước Đảng, trước nhân dân, trước đồng đội.

Giữa trùng khơi, nghi lễ chào cờ như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Lễ chào cờ kết thúc sau phần duyệt đội ngũ được thực hiện trang nghiêm, thể hiện được tính kỷ luật, nét đẹp văn hóa của đơn vị trên đảo.

Trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn, việc duy trì được lễ chào cờ thống nhất và nghiêm túc như thế này chỉ có thể xuất phát từ sự chính quy ở các đơn vị quân đội cũng như tinh thần kiên cường, vượt khó của mỗi quân nhân. Đó là niềm tự hào của chúng tôi, thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, đang không ngừng nỗ lực đóng góp xây dựng đất nước thời kỳ mới.

Cheo leo đến với nhà giàn DK1

Đã chuẩn bị tinh thần song những đợt sóng cao đã làm kế hoạch lên nhà giàn DK1 của đoàn công tác số 7 trở nên vô cùng khó khăn. Mỗi đơn vị trong đoàn chỉ có thể cử 1 thành viên nam có sức khỏe tốt lên nhà giàn thăm anh em. Riêng đoàn Đà Nẵng với 100 thành viên trên tàu nên được ưu tiên khi cả 3 đại biểu lãnh đạo đơn vị Quân sự, Công an, Biên phòng được lên DK1/17, nơi cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân cheo leo cách mặt biển lúc triều cường gần 11m.

Để có thể tiếp cận thang lên nhà giàn, các thủy thủ căng thẳng cao độ quan sát để kịp thời điều chỉnh từng động tác ngập ngừng của các thành viên đoàn công tác. Những tiếng hô “không được”, “khẩn trương lên”, “bước nhanh”… vang lên giữa tiếng sóng ầm ào…, bởi chỉ cần một tích tắc sơ sẩy, hậu quả sẽ vô cùng khó lường.

Hơn 9 giờ sáng, tôi đặt chân lên nhà giàn DK1/17, tên gọi tắt của Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật Phúc Tần C. Đi một vòng tham quan, tôi nghe Đại úy Nguyễn Văn Duy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/17, Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cho biết, việc quà, hàng có khi còn cả bằng khen mang ra trao tặng nhà giàn lại phải gửi quay ngược vào bờ là chuyện bình thường khi biển động.

Còn việc phải dùng đường “hàng không”, tức là dùng ròng rọc kéo khách lên nhà giàn là chuyện bình thường. Sóng to gió lớn chỉ là một trong vô vàn khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Nước ngọt dự trữ trên nhà giàn được hứng từ nước mưa chảy xuống các mái lợp nên để dùng được, cán bộ, chiến sĩ phải trải qua nhiều công đoạn lọc. Bên cạnh đó, nhà giàn giống như một cột ăng ten, thu hút sóng từ trường từ tất cả các nơi về đây.

Bởi vậy, việc ở lâu trên nhà giàn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe… Trong điều kiện khó khăn ấy, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫn luôn tích cực trồng rau xanh, đánh bắt cá cải thiện đời sống đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đều an tâm tư tưởng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, làm tốt công tác hướng dẫn ngư dân tránh, trú bão, khám sức khỏe và phát thuốc cho ngư dân.

Đi qua Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây, Trường Sa, song khi đến với nhà giàn DK1, thành viên đoàn công tác chúng tôi mới chứng kiến hết khó khăn, vất vả và nhiệm vụ nặng nề của các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Hơn hết là hiểu thêm về Tổ quốc và quyết tâm giữ từng tấc đất máu xương, khẳng định chủ quyền vùng lãnh hải cho con cháu muôn đời sau.

Đại tá NGUYỄN VĂN HÒA
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng

.