Chính trị - Xã hội
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý nhiều nội dung quan trọng về các dự án luật
ĐNO - Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ số 8 cùng với các đoàn đại biểu các tỉnh Điện Biên, Bình Định và Sóc Trăng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì buổi thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG |
Góp ý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, tại Điều 16, về thông tin trong căn cước công dân cần phải có thông tin “mở” để người dân thấy được tiện ích. Bên cạnh đó, cần phải xem khi tích hợp các thông tin vào căn cước công dân thì được lợi gì cho công dân.
Theo Bí thư Thành ủy, khi tích hợp thông tin, cần phải mang lại lợi ích từ hai phía, đó là cơ quan quản lý Nhà nước và công dân. Lúc đó, người dân sẽ tự nguyện tham gia vào việc triển khai các ứng dụng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy, nên có quy định về giá trị khi người dân triển khai các ứng dụng này.
Góp ý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, cho rằng phát triển hạ tầng viễn thông hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ phát triển các trạm phát sóng, thông thường không có đất để phát triển mà thuê các mái nhà của các hộ gia đình.
Do đó, Bí thư Thành ủy đặt ra hai vấn đề, một là việc bảo đảm an toàn, hai là quyền lợi của người cho thuê và cả những người ở xung quanh. Thời gian qua, khi lắp đặt các dịch vụ, không được ai đánh giá và quan tâm. Trong dự thảo luật lần này, cần phải có quy định, xem xét nhằm bảo đảm quyền lợi cho người có liên quan.
Bên cạnh đó, liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông, theo Bí thư Thành ủy, việc hình thành trong thời điểm này cần phải xem xét, cân nhắc, bởi cơ sở thực tiễn, sự cần thiết không cao.
Góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, về việc bổ sung một số thông tin sinh trắc học, dự thảo Luật đề nghị bổ sung thông tin mống mắt, AND, giọng nói vào Cơ sở giữ liệu căn cước (Điều 16); bổ sung quy định về thu thập, cập nhật các thông tin này (Điều 17), trong đó có nội dung “được thu thập, cập nhật từ cá nhân” trong trường hợp thông tin thu được từ các nguồn khác chưa có hoặc chưa đầy đủ.
Theo đại biểu, điều này tác động rất lớn đến công dân về chi phí tuân thủ pháp luật khi phải thực hiện thủ tục bổ sung các thông tin này (cần phải đến cơ quan quản lý căn cước để thu thập thông tin bằng thiết bị chuyên dụng).
Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động của chính sách này; bổ sung quy định chỉ thu thập, cập nhật các thông tin này từ cá nhân trong khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Về trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, đại biểu Trần Đình Chung đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “Trường hợp thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” vào cuối khoản 1 Điều 26 để bảo đảm thông tin in, tích hợp trên thẻ căn cước cấp đổi, cấp lại được cập nhật đúng với thông tin mới nhất của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, thời gian vừa qua, việc triển khai Luật Căn cước công dân bảo đảm được yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước công dân trong tình hình mới, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở các cấp, phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền cấp gây khó khăn nhất định cho người dân trong việc lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích dịch vụ công.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước công dân hiện hành cũng không quy định việc khai sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân, bao gồm các thông tin trên căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR Code, nên việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện việc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn khó khăn, thiếu đồng bộ và thống nhất.
Đại biểu đồng tình với việc sửa đổi lần này và hoan nghênh việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây là một quy định đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giúp các địa phương có cơ sở pháp lý để giải quyết dứt điểm những vướng mắc cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn, liên quan đến vấn đề này để bảo đảm không xung đột với các luật liên quan, nhất là Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định luật pháp hiện hành khác.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước tại Điều 19, đại biểu đồng tình việc không thể hiện nội dung quê quán trên thẻ căn cước và cần để thể hiện nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh trên căn cước. Bởi nơi sinh gắn với gốc tích của một công dân.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh VŨ HƯNG |
Việc ghi thông tin nơi sinh có cơ sở khoa học hơn là việc nhận diện công dân và giúp việc hạn chế trùng lặp trường thông tin của công dân, bảo đảm sự thống nhất, tính tương thích giữa các loại giấy tờ tùy thân hiện nay của công dân là thẻ căn cước và hộ chiếu.
Đối với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ, người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước, tránh lộ lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.
N.PHÚ - VŨ HƯNG