Chính trị - Xã hội

Giải pháp cho ô nhiễm nhựa, thủy triều đang thay đổi

08:52, 05/06/2023 (GMT+7)

Thành phố đang hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6) với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” và ngày Đại dương thế giới (8-6) với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi”.

Một ngư dân mang hai bao lưới đựng các loại rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt trên biển về giao cho Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một ngư dân mang hai bao lưới đựng các loại rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt trên biển về giao cho Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sau khi hoàn tất việc bán cá, ngư dân Bùi Văn Dũng (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), chủ tàu cá ĐNa 90974 TS khệ nệ mang hai bao lưới đựng đầy chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, bao ni-lông... bước xuống tàu và giao nộp cho Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Số rác tài nguyên này do ngư dân trên tàu cá phân loại, bỏ vào bao lưới sau 15 ngày đánh bắt trên biển. Những chai nhựa trôi nổi trên biển bị mắc vào lưới và những đoạn dây, mảnh lưới hỏng cũng được ngư dân bỏ vào bao mang về bờ.

Ngư dân Bùi Văn Dũng chia sẻ: “Tôi để sẵn các bao lưới trên 2 tàu cá của mình để anh em bạn thuyền bỏ các loại rác tài nguyên sau khi sử dụng về bờ. Chúng tôi không vứt các loại chai nhựa, bao ni-lông xuống biển và âu thuyền Thọ Quang bừa bãi như trước đây để giảm rác thải nhựa cho đại dương, bảo đảm môi trường cho âu thuyền”.

Còn ngư dân Nguyễn Xấu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90434 TS cho biết: “Gia đình tôi có 5 tàu cá hoạt động trên biển. Mỗi tàu đều có những túi lưới và vợt để bạn thuyền vớt các loại rác tài nguyên và rác thải nhựa đại dương như vỏ lon nước, vỏ chai nước, dây, lưới, phao... mang về bờ tái sử dụng, tái chế để làm nghề và đem bán phế liệu để có thêm tiền uống nước, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tôi mong các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, nhân rộng mô hình mang rác thải nhựa về bờ đến ngư dân nhiều địa phương khác để vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa bảo vệ chính sức khỏe con người”.

Phó ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Phạm Trung Thành cho hay, sau một thời gian thực hiện hợp phần ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thuộc dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và vận động ngư dân, tiểu thương phân loại, thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt là mang các loại rác tài nguyên và rác thải nhựa về bờ. Ngư dân đã mang hơn 5,7 tấn rác các loại về bờ từ gần 2.500 tàu cập cảng. Các tiểu thương tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã thu gom hơn 250kg rác thải nhựa giá trị thấp để chuyển giao cho đơn vị tái chế...

Giám đốc CECR Nguyễn Khắc Hùng thông tin: “Trong những năm qua, CECR đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ban, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động, hạng mục trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực lớn, trong đó có hợp phần ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. CECR sẽ cố gắng duy trì triển khai và nhân rộng mô hình này để không chỉ chung tay bảo vệ nguồn nước mà còn bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ sinh kế, ngư trường, sức khỏe và tương lai của chính con cháu chúng ta”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1-6 đến 30-8, thành phố sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam hưởng ứng ngày Đại dương thế giới (8-6) trên phạm vi toàn thành phố với nhiều hoạt động, cao điểm diễn ra vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Theo đó, tại các quận, huyện và Trung tâm Hành chính thành phố sẽ diễn ra nhiều ngày hội thu mua rác tái chế nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học về nhận diện khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng; hội thảo quốc tế về hợp tác và phát triển sáng kiến địa phương vì thành phố môi trường. Toàn thành phố sẽ diễn ra nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, địa bàn dân cư, bãi biển; nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước...

Các hoạt động thiết thực này gắn với việc thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa nhanh, trên diện rộng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Chống ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường biển
Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan, đơn vị hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường (tháng 6) năm 2023, trong đó, tập trung tuyên truyền và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phòng, chống rác thải nhựa; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn...
Trên cơ sở chủ đề ngày Đại dương thế giới (8-6) năm nay được Liên Hợp Quốc chọn là “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8-6) với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” nhằm đẩy mạnh thực thi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

HOÀNG HIỆP

.