Chính trị - Xã hội

Khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng, đầu tư nhà ở xã hội

07:51, 19/06/2023 (GMT+7)

Theo Sở Xây dựng, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng căn hộ chung cư nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với hơn 10.000 căn hộ. Nhưng hiện quỹ căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước còn lại rất ít, nhiều chung cư có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng mặt ngoài, thấm dột... Thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục các bất cập, hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng và đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân.

Các dự án chung cư nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG; Đồ họa: ANH DUY
Các dự án chung cư nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG; Đồ họa: ANH DUY

Bài 1: Chung cư xuống cấp, hư hỏng và... vi phạm

Hiện nay, Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng quản lý 41 khu chung cư (KCC), 2 ký túc xá sinh viên và 4 nhà liền kề được xây dựng và đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến nay, trong đó có một số KCC đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp nghiêm trọng. Những KCC còn niên hạn sử dụng thì mỗi năm có trung bình 1.350 đơn của người dân đề nghị sửa chữa hư hỏng, thấm dột. Bên cạnh đó, còn có nhiều vi phạm của người sử dụng theo quy chế về quản lý, sử dụng chung cư.

Nhiều khối nhà chung cư hết niên hạn sử dụng

3 KCC gồm: Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường (quận Hải Châu) có tổng cộng 648 căn hộ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và hết niên hạn sử dụng từ cuối năm 2021 theo quy định. Ngày 10-12-2021, Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng có Báo cáo số 3220/BC-TTQLKTN về kết quả đánh giá an toàn 3 KCC nói trên.

Theo đó, tất cả các khối nhà đều ở mức độ nguy hiểm cấp C (khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ). Tuổi thọ công trình (thời gian sử dụng còn lại) không còn nhiều, có thể xảy ra sự mất an toàn trong quá trình sử dụng về sau.

Tại KCC Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), người dân đã nhiều lần “thót tim” với những mảng trần, cục bê-tông rơi xuống sàn căn hộ, hành lang do nứt toác. Bà Đặng Thị Ai (trú KCC Thuận Phước) cho hay: “KCC Thuận Phước đã xuống cấp lắm rồi. Tình trạng nứt, thấm dột, trần nhà lòi sắt dầm, nhiều mảng bê-tông rớt bong tróc. Mỗi khi sắp có bão là các lực lượng của phường phải xuống sơ tán dân đi nơi khác để bảo đảm an toàn”.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm (ở KCC Thuận Phước) chia sẻ: “Người dân nghe nói thành phố chuẩn bị xây dựng KCC mới thay thế ở đường Trịnh Công Sơn (phường Hòa Cường Nam), nhưng chúng tôi đã chờ 3 năm nay rồi mà vẫn chưa biết khi nào di dời”.

Tình trạng xuống cấp trầm trọng nói trên cũng diễn ra tại 9 khối nhà được xây dựng và đưa vào sử dụng đã hơn 20 năm của KCC thu nhập thấp ở khu vực cuối tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Đây cũng là hiện trạng diễn ra ở nhiều KCC chưa hết niên hạn sử dụng.

Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) Cao Đình Hải cho biết, đầu năm 2023, phường đã gửi danh sách hơn 570 căn hộ bị thấm dột cùng danh sách các thang máy bị hư hỏng tại các KCC trên địa bàn phường cho Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng và đề nghị khắc phục, sửa chữa.

Theo Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng, hiện có 34 KCC, 2 ký túc xá, 4 nhà liền kề chưa hết niên hạn sử dụng. Từ năm 2019 đến 2022, đơn vị đã xử lý hư hỏng theo hơn 5.400 đơn phản ánh của các hộ dân và nhà trưởng (chưa kể hư hỏng, xuống cấp thuộc phần sở hữu riêng thì người dân tự khắc phục, sửa chữa, làm lại nội thất).

Riêng năm 2022, đơn vị nhận được 1.432 đơn phản ánh của người dân đề nghị khắc phục, sửa chữa căn hộ (những hư hỏng này thuộc sở hữu phần chung hoặc phần riêng của người sử dụng khác gây ảnh hưởng). Qua đó có nhiều trường hợp vi phạm quy chế quản lý KCC (như: nợ tiền thuê nhà, ở không đúng chủ, hết thời hạn hợp đồng thuê nhà...) không phản ánh tình trạng thấm dột, hư hỏng về Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng mà phản ánh về UBND các phường nơi cư trú, dẫn đến tình trạng chậm sửa chữa, bảo trì công trình.

Nợ hơn 42 tỷ đồng tiền thuê nhà, nhiều trường hợp vi phạm

Phường Nại Hiên Đông có hơn 50 khối nhà chung cư (nhiều nhất thành phố) và cũng có rất nhiều kiến nghị, bức xúc của nhân dân cùng nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác quản lý, vận hành chung cư. UBND phường Nại Hiên Đông đã làm việc với Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng để trao đổi, đề xuất giải quyết... 50 vấn đề lớn, nhỏ như: 118 hộ dân lấn chiếm khu vực công cộng; khắc phục và làm vệ sinh các bể nước ngầm; mở rộng các nhà xe; sơn lại mặt tiền các tòa nhà bị thấm nước vào nhà, bong tróc, rêu mốc; rà soát trách nhiệm của các nhà trưởng; giải quyết việc đậu, đỗ ô-tô tràn lan trong sân chung cư; vướng mắc bầu ban quản trị nhà chung cư, sử dụng quỹ bảo trì chung cư; tình trạng nợ tiền thuê nhà...

Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải cho rằng: “Qua thực tiễn công tác quản lý, sử dụng KCC thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn phường, nổi lên 20 vấn đề lớn cần giải quyết. Ngoài vấn đề thấm dột, thang máy hư, còn có nhiều hộ nợ tiền thuê nhà và quản lý vận hành hơn 18 tỷ đồng; nhiều hộ cơi nới, đặt vật dụng, lấn chiếm trái phép... Phường đã phối hợp với Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng lập danh mục công việc, phân công trách nhiệm, lộ trình giải quyết các vấn đề tồn tại”.

5 khối nhà của Khu chung cư thu nhập thấp đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc đã xuống cấp, được UBND thành phố chỉ đạo lập đề án tái thiết. Ảnh: H.H
5 khối nhà của Khu chung cư thu nhập thấp đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc đã xuống cấp, được UBND thành phố chỉ đạo lập đề án tái thiết. Ảnh: H.H

Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng đang quản lý 9.990 căn hộ. Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố đã thu hồi 188 căn hộ do người được bố trí căn hộ không còn đủ điều kiện được thuê hoặc vi phạm như cho thuê lại, cho ở nhờ, chuyển nhượng...

Qua công tác kiểm tra, năm 2021, đơn vị đã báo cáo Sở Xây dựng trình UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 71 căn hộ; năm 2022 thu hồi 77 căn hộ. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang phối hợp thu hồi 57 căn hộ và kiểm tra, xử lý 357 trường hợp cơi nới, lấn chiếm khuôn viên, phần sử dụng chung nhà chung cư.

Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Trần Đình Khanh cho rằng, công tác đầu tư, bố trí, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trước đây còn nhiều bất cập; qua thanh tra, kiểm tra, thành phố đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng khắc phục các tồn tại, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước còn thấp, công tác thu tiền thuê nhà gặp nhiều khó khăn... với số tiền nợ thuê nhà và chi phí quản lý, vận hành thang máy gần 42 tỷ đồng.

Công tác thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn chậm; quy trình thực hiện phức tạp, kéo dài (khoảng 163 ngày). Việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng chung cư gặp nhiều khó khăn, kéo dài; chưa có chế tài đối với các trường hợp không nộp chi phí quản lý, vận hành chung cư. Ý thức sử dụng nhà ở xã hội của người dân còn chưa cao, chưa có ý thức bảo quản tài sản, phần sử dụng chung trong chung cư; còn vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Thời gian qua, UBND thành phố đã điều chỉnh, bổ sung 8 quy định, quy chế về quản lý nhà ở trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng thực hiện phân công, phân cấp để chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý Nhà nước về nhà ở trên địa bàn, kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc trong quá trình quản lý sử dụng nhà ở, đặc biệt là nhà chung cư.

Thành phố đầu tư ngân sách hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 20.764 căn hộ chung cư (nhà ở xã hội, nhà ở thương mại...) đã được đưa vào sử dụng, 10.448 căn hộ đang xây dựng và 24.809 căn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý dự án để xây dựng. Trong 25 năm qua, thành phố đã bố trí hơn 3.500 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoàn thành 10.828 căn hộ chung cư, 1.146 phòng ký túc xá, 346 căn nhà liền kề. Thành phố đang triển khai dự án KCC nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (209 căn hộ) và đề nghị Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá tập trung (728 phòng) tại quận Liên Chiểu để làm nhà ở cho công nhân.

HOÀNG HIỆP

.