Chính trị - Xã hội

Nên giãn thời gian tiếp xúc cử tri

08:37, 09/06/2023 (GMT+7)

Theo quy định, trước và sau kỳ họp vào giữa năm và cuối năm (trừ kỳ họp bất thường), HĐND thành phố có chương trình tiếp xúc cử tri (TXCT). Khi thành phố thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, quy định trước mỗi kỳ họp HĐND thành phố, chủ tịch UBND quận và UBND phường phải đối thoại với nhân dân để lắng nghe ý kiến. Lịch các cuộc TXCT, đối thoại quá dày đang gây quá tải cho cơ sở, trùng lặp nội dung và phiền hà cho cử tri.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) cùng các đại biểu HĐND thành phố tham dự tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa X với cử tri phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.H
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) cùng các đại biểu HĐND thành phố tham dự tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa X với cử tri phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.H

Trước thực trạng này, cử tri thành phố kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp giãn tiến độ, nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận ý kiến cũng như giải quyết các kiến nghị của cử tri tại mỗi lần tiếp xúc.

Trùng nội dung phản ánh

Ông Nguyễn Quân, cử tri phường Mân Thái (quận Sơn Trà) cho biết, tại các cuộc TXCT, người dân được phát biểu ý kiến, kiến nghị liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề tồn đọng, hạn chế trong công tác điều hành, triển khai của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp. Điều này bảo đảm quyền dân chủ, tạo cơ chế giám sát cho người dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Hiện nay, thành phố triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, nên người dân được mời dự hội nghị đối thoại với chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND phường. Điều này rất có ý nghĩa, bởi người dân được gặp và ý kiến trực tiếp với người đứng đầu chính quyền cơ sở về các vấn đề tồn đọng cũng như tâm tư, nguyện vọng của mình trên tinh thần xây dựng, ngày càng làm cho địa phương phát triển, người dân thực sự được hưởng các chính sách, chủ trương từ Trung ương đến thành phố một cách công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, ngoài những mặt đạt được, việc tổ chức TXCT, đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường với người dân có mật độ liên tục, dày đặc cũng gây không ít phiền hà và trùng lắp thông tin kiến nghị cho cử tri. “Tại cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thường lệ của đại biểu HĐND thành phố với cử tri phường tôi, chúng tôi nêu ý kiến cử tri quan tâm, bức xúc và được đại biểu HDNĐ thành phố tiếp thu. Gần thời điểm đó, quận và phường cũng tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường với nhân dân, mục đích cũng chỉ tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của nhân dân như tại TXCT với HĐND thành phố. Trong khoảng thời gian đó, nếu có phát sinh mới thì cũng không đáng kể các vấn đề tồn đọng. Thành ra, các hội nghị TXCT và đối thoại  tổ chức liền nhau nhưng trùng lặp nội dung của cử tri phản ánh, phiền hà vì đi họp nhiều lần mà không có phát sinh vấn đề mới. Chưa kể, các vấn đề phản ánh, kiến nghị nhiều lần chưa chắc đã được giải đáp, phản hồi thấu đáo, giải quyết triệt để nên gây cảm giác ngán cho chúng tôi”, ông Quân chia sẻ.

Đây là thực trạng chung từ khi thành phố thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 6 quận và 45 phường. Qua tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đều ghi nhận thực trạng này.

Nên kéo giãn thời gian tiếp xúc

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, thông thường trước và sau các kỳ họp thường lệ HĐND thành phố sẽ có TXCT. Ngoài ra, do thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nên có quy định chủ tịch UBND các quận và phường phải đối thoại với nhân dân để lắng nghe ý kiến cùng thời gian trước các kỳ họp thường lệ HĐND thành phố.

Các quy định này đã gây chồng chéo lịch và quá tải cho cơ sở. Trong khi đó, cử tri (đa phần cử tri “chuyên trách”, là cán bộ cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, các chi hội trưởng đoàn thể chính trị -xã hội,...) được mời đi tiếp xúc nhiều lần nên ý kiến sẽ trùng lặp.

Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) Võ Đức Lâm cho biết, có tình trạng người dân than phiền vì được mời đi dự TXCT, đối thoại nhiều lần trong khoảng thời gian gần nhau. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn tạo cảm giác nhàm chán, hình thức cho cử tri.

Đây cũng là ý kiến của nhiều lãnh đạo các quận, phường trong thời gian qua. Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc cho rằng, cần giãn các cuộc TXCT và đối thoại để người dân không cảm thấy phiền hà khi phải đi nhiều lần trong cùng một khoảng thời gian và tích cực phát huy dân chủ, đóng góp cho thành phố.

Theo bà Trần Thị Mẫn, để tháo gỡ thực trạng trên, thành phố đã có thay đổi, trước kỳ họp thường lệ HĐND thành phố, việc tổ chức TXCT được thực hiện theo địa điểm tại các phường, xã (56 điểm) để nghe hết tất cả ý kiến của cử tri. Sau các kỳ họp thường lệ, việc tổ chức TXCT được thực hiện theo đơn vị bầu cử (số lượng địa điểm ít hơn, chỉ có 15 điểm) để thông báo kết quả kỳ họp.

“Lúc trước có nhiều ý kiến đề xuất, trước kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố giữa năm, việc tổ chức đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND phường nên làm trong thời gian tháng 3-4; còn TXCT sẽ thực hiện trong tháng 6-7. Đối với kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND thành phố, nên tổ chức đối thoại vào khoảng tháng 8-9; TXCT thì tổ chức vào tháng 12. Nếu được như vậy sẽ bớt trùng nội dung kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, việc thực hiện theo các đề xuất này lại không phù hợp với văn bản của Trung ương về mô hình chính quyền đô thị. Do đó, các đề xuất này đến nay chưa được thành phố thống nhất và đưa ra kết luận cuối cùng để triển khai”, bà Mẫn cho biết.

Cùng với các giải pháp trên, mới đây, HĐND thành phố vừa có văn bản bổ sung hướng dẫn về đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND quận, phường trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, đối với kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND thành phố (dự kiến tổ chức trong tháng 7), thời gian tổ chức đối thoại với nhân dân hoàn thành trước ngày 5-6 hằng năm. Đối với kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND thành phố (dự kiến tổ chức trong tháng 12), thời gian tổ chức đối thoại với nhân dân hoàn thành trước ngày 10-11 hằng năm. Sau 7 ngày tổ chức hội nghị đối thoại, chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường có trách nhiệm gửi kết quả đối thoại đến cơ quan thẩm quyền theo quy định.

TRỌNG HUY

.