Ngăn ngừa lạm dụng trẻ em lao động trái quy định pháp luật

.

Trẻ em lao động quá sớm sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập, dễ bị bóc lột sức lao động, nguy cơ tai nạn lao động... Vì vậy, phòng ngừa để giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em là vấn đề được đặt ra để góp phần bảo đảm quyền và cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn thành phố có hơn 311.000 trẻ em, trong đó có 3.131 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,01% dân số trẻ em; hơn 13.600 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (gồm trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có vấn đề xã hội, trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ).

Nhóm trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã hội để giảm nguy cơ tham gia lao động trái quy định của pháp luật. Trên địa bàn thành phố hiện chưa ghi nhận tình hình sử dụng lao động trẻ em và trẻ chưa thành niên trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp trẻ em tham gia các công việc phụ giúp gia đình; một số trường hợp cha, mẹ là người ngoại tỉnh đưa con nhỏ đến thành phố xin ăn.

Theo Trung tâm Công tác xã hội thành phố, từ năm 2021 đến nay đã phát hiện và đưa 7 trẻ em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Đây là những trẻ em ngoại tỉnh, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi theo mẹ đến Đà Nẵng xin ăn. Trước đó, Trung tâm Công tác xã hội thành phố và Công an phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) phát hiện bà H.T.H (trú tỉnh Quảng Trị) đưa 5 người con đi xin ăn tại chợ Mới và đã lập biên bản, đồng thời đưa 6 người tập trung vào nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Theo luật sư Đặng Văn Vương, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà người sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 29, Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về lao động chưa thành niên quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật Lao động.

Theo Điều 296, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định sử dụng người lao động dưới 16 tuổi, người sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố cho biết, hiện nay, thành phố chưa ghi nhận các trường hợp liên quan đến việc lợi dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, khi phát hiện các trường hợp trẻ em lang thang xin ăn biến tướng, trung tâm sẽ phối hợp công an địa phương lập biên bản đưa các em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố; nếu có trường hợp lợi dụng trẻ em xin ăn biến tướng, công an các quận, huyện sẽ xác minh xử lý theo quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.