Chính trị - Xã hội
Nghiệp đoàn nghề cá đồng hành ngư dân bám biển
Các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn thành phố tích cực tuyên truyền để ngư dân nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định pháp luật về khai thác thủy sản trên biển. Nhiều ngư dân sau khi gia nhập vào nghiệp đoàn nghề cá của địa phương đã vững tin vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho ngư dân. Ảnh: X.H |
Gần 8 năm tham gia Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), ông Lê Văn Chiến (tổ 10, phường Xuân Hà) luôn cảm thấy an tâm trước mỗi chuyến vươn khơi bám biển. Theo ông Chiến, trước đây, khi chưa tham gia nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân ra khơi bám biển riêng lẻ, phải đối mặt với nhiều rủi ro, tai nạn như tàu hư hỏng, chìm, thời tiết bất lợi… Bây giờ, mọi người khi đi khai thác đều có đội, tổ hỗ trợ, kịp thời giúp nhau khi xảy ra hoạn nạn.
Bên cạnh việc hỗ trợ khi đánh bắt, tham gia nghiệp đoàn còn giúp ngư dân nâng cao nhận thức, không vi phạm quy định pháp luật quốc tế trong khai thác hải sản vùng biển xa. Gần đây, việc nỗ lực để gỡ thẻ vàng IUU (chống đánh bắt bất hợp pháp) từ Ủy ban châu Âu (EC) đã được nhiều ngư dân nhận thức đầy đủ. “Chúng tôi được nghiệp đoàn và các đơn vị tuyên truyền thường xuyên về việc không vi phạm lúc khai thác trên biển. Mỗi chuyến ra khơi, các tổ đội liên kết thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ nhau. Ai cũng mong sớm gỡ được thẻ vàng để ngành thủy sản phát triển, cuộc sống ổn định hơn”, ông Chiến cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Hậu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà, nghiệp đoàn nghề cá phường là một trong những nghiệp đoàn nghề cá ra đời đầu tiên tại Đà Nẵng, có 80 hội viên và quản lý 23 tàu. Nghiệp đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế khi khai thác hải sản trên biển. Nghiệp đoàn tổ chức tập huấn sơ cấp cứu, hỗ trợ ngư dân mua trang thiết bị, ngư cụ, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, thùng rác thải nhựa trên biển...
Đồng thời là nơi đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân. Trước đây, qua công tác vận động, bà Huỳnh Thị Phượng, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá phường mua bảo hiểm cho tàu. Khi tàu bà Phượng không may bị chìm, nghiệp đoàn đã đứng ra để đại diện, góp tiếng nói và hỗ trợ giấy tờ, pháp lý giúp ngư dân có được khoản đền bù thiệt hại.
“Với ngư dân, con tàu là tài sản quý giá nhất. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân đối mặt với nhiều nguy cơ phải mất đi tài sản quý giá nhất của mình. Vì vậy, nghiệp đoàn sẽ hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân yên tâm bám biển. Đặc biệt, tham gia nghiệp đoàn, mọi người sẽ xây dựng tinh thần tự giác, đoàn kết và tương trợ giúp nhau trong khai thác hải sản cũng như khi gặp khó khăn, sự cố xảy ra. Nghiệp đoàn kết hợp lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền để đánh bắt đúng quy định”, ông Nguyễn Quang Hậu cho biết.
Trong khi đó, tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Nghiệp đoàn nghề cá phường thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền cho ngư dân về việc chấp hành quy định của pháp luật khi khai thác trên biển.
Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Võ Văn Xừng, hiện nay nghiệp đoàn đang quản lý 50 đoàn viên, chủ yếu tham gia khai thác đánh bắt xa bờ. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như thông qua tờ rơi, các buổi họp khu dân cư, hay phát trên các trạm thông tin phát sóng đến các tàu để tiếp cận với ngư dân.
“Muốn gỡ “thẻ vàng” IUU phải giải quyết được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này không chỉ là quyết tâm hành động của nghiệp đoàn mà còn phụ thuộc vào chính ngư dân, người trực tiếp khai thác hằng ngày trên biển. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho ngư dân là vô cùng quan trọng. Nghiệp đoàn phải kiên trì truyền thông nâng cao nhận thức để thay đổi từ chính ngư dân. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn vẫn thực hiện tốt chức năng đồng hành, hỗ trợ ngư dân tham gia đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Xừng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại, trên địa bàn thành phố có 4 nghiệp đoàn nghề cá thuộc hai quận Sơn Trà và Thanh Khê với tổng số 514 đoàn viên và hàng ngàn lao động. Các nghiệp đoàn đã tổ chức cho đoàn viên ký cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài; không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác hải sản; không đánh bắt các loài hải sản bị cấm khai thác. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tương trợ, giúp đỡ nhau lúc gặp hoạn nạn khi khai thác hải sản trên biển và trong cuộc sống.
Mỗi nghiệp đoàn nghề cá trang bị 1 bộ thiết bị trạm bờ (trạm thông tin phát sóng tầm xa) để điều hành hoạt động, thông tin liên lạc giữa nghiệp đoàn với đoàn viên đang lao động trên biển. Chủ tịch hoặc phó chủ tịch nghiệp đoàn được phân công thường xuyên trực máy.
Đây là phương tiện chính để cán bộ nghiệp đoàn triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Công đoàn đến đoàn viên; kịp thời thông báo, hướng dẫn và kêu gọi tàu thuyền tránh trú khi thời tiết thay đổi bất thường.
“Sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề cá nhận được ủng hộ của ngư dân. Nghiệp đoàn đã làm tốt công tác đại diện cho đoàn viên, phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên các nghiệp đoàn; quan tâm theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống cho đoàn viên, kịp thời hướng dẫn các nghiệp đoàn lập các thủ tục đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ cho đoàn viên gặp khó khăn”, ông Đại cho biết.
XUÂN HẬU