Chính trị - Xã hội
Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 7-2023
Trong tháng 7, nhiều chính sách mới có ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và người dân chính thức có hiệu lực, như các chính sách về tăng lương cơ sở, tinh giản biên chế, bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Ảnh minh họa: TTXVN |
Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14-5-2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.
Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Nghị định này bao gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1,2,3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP). Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Như vậy, sau 2 năm (2020, 2021) bị trì hoãn do nước ta bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương cơ sở. Trong suốt thời gian từ 1-7-2019 đến thời điểm hiện tại, cán bộ, công chức, viên chức vẫn áp dụng mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét quyết định việc tăng lương cơ sở và sẽ áp dụng từ ngày 1-7-2023. Tuy nhiên, sau đó, có nhiều đại biểu đề xuất thời điểm tăng lương nên áp dụng từ 1-1-2023 thay vì 6 tháng sau đó và mức tăng là 1,8 triệu đồng/tháng thay vì 1,6 triệu đồng/tháng như đề xuất ban đầu.
Ngày 11-11-2022, sau nhiều lần thảo luận, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước. Trong đó, về chính sách tiền lương, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: “Từ ngày 1 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.
Lý giải cho lý do chốt thời điểm tăng lương là 1-7-2023 thay vì từ đầu năm 2023 (1-1-2023), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời điểm 1-1-2023 là thời điểm đầu năm, gần với Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Đây là thời điểm nhạy cảm bởi nhu cầu mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá và tâm lý tăng lương kèm với tăng giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Do đó, sau khi cân nhắc nhiều lý do, Quốc hội chốt thời điểm tăng lương cơ sở là từ 1-7-2023 với mức lương mới là 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 310.000 đồng/tháng so với hiện nay).
Mới đây, ngày 14-5-2023, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP về mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước từ ngày 1-7-2023.
Chính sách mới về tinh giản biên chế
Có hiệu lực từ ngày 20-7-2023, các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (quy định về tinh giản biên chế) được áp dụng đến hết ngày 31-12-2030. Nghị định này thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10-12-2020. Nghị định có nhiều điểm mới về chính sách tinh giản biên chế.
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi, việc xác định tuổi hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo tuổi nghỉ hưu thực tế của từng người (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Kết luận số 08-KL/TW ngày 15-6-2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.
Nghị định cũng bổ sung 2 chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Ngày 17-4-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.
Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Trong đó, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định (Điều 4).
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-2023 và thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Kể từ ngày 15-7-2023, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chậm nhất đến ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Theo TTXVN/Báo Tin tức