Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên: Nhìn từ miền Trung - Tây Nguyên

Bài cuối: Những giải pháp đặt ra

.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng so với hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) tại khu vực, số lượng HSSV được kết nạp vào Đảng hằng năm vẫn còn khá khiêm tốn. Vậy đâu là nguyên nhân và các địa phương cần làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển đội ngũ HSSV vào Đảng trong thời gian tới nhằm bổ sung lực lượng cho Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra?

Chi bộ Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ kết nạp Đảng cho sinh viên ưu tú. Ảnh: PV
Chi bộ Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ kết nạp Đảng cho sinh viên ưu tú. Ảnh: PV

Ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, từ năm 2020 đến hết năm 2022, toàn khu vực phát triển được 7.292 đảng viên trong HSSV. Trong đó, 4.912 đảng viên là HS, 2.380 đảng viên là SV. Ngoài các tỉnh, thành có số lượng HSSV được kết nạp vào Đảng tương đối khá như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng..., các địa phương còn lại như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... có số lượng phát triển đảng viên còn ít dù nguồn lực khá dồi dào.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Tại hội thảo phát triển Đảng trong HSSV khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy Bình Định phối hợp tổ chức vào ngày 19-5, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy các trường THPT, đại học, cao đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, qua quá trình tổng kết đánh giá, nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở đối tượng HSSV.

Trong đó, nổi lên lớn nhất là việc một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, bị xử lý kỷ luật, xin ra khỏi Đảng đã tác động lớn đến tư tưởng, tâm lý và khát vọng của quần chúng nói chung, HSSV nói riêng, dẫn đến không có lý tưởng để phấn đấu. Qua khảo sát của một trường cao đẳng khu vực miền Trung cho thấy, có 170/462 trường hợp được lấy phiếu khảo sát nói rằng không muốn vào Đảng, trong đó có cả những trường hợp đã được học lớp cảm tình Đảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, một bộ phận quần chúng, thanh niên là HSSV tại các trường trung học và chuyên nghiệp còn có tâm lý e ngại, không muốn vào Đảng, sợ bị ràng buộc. Bản thân nhiều SV  có tâm lý muốn đi học nước ngoài hoặc làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài sợ vào Đảng bị gây khó khăn nên không có nguyện vọng vào Đảng. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa cấp ủy nhà trường với địa phương chưa bảo đảm.

Thực tế nhiều SV khi phấn đấu tốt ở nhà trường nhưng chưa được kết nạp vì nhiều lý do thì nhẽ ra đối tượng này phải được chuyển tiếp về địa phương để tiếp tục theo dõi và có thể kết nạp ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa phối hợp tốt nên bị ngắt quãng quá trình phấn đấu. Bên cạnh đó, các trường vẫn chưa thống nhất tiêu chí để đánh giá và tiêu chuẩn kết nạp Đảng.

“Mỗi trường có một tiêu chuẩn khác nhau và đặt rất nặng về tiêu chí học tập. Nếu đặt quá nặng tiêu chí này thì sẽ bỏ lỡ nhiều SV  ưu tú có tố chất mà tham gia phong trào tốt”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trăn trở.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, chưa có sự quan tâm quyết liệt trong chỉ đạo, chiến lược, kế hoạch triển khai của các cấp ủy Đảng. Ông Thọ nêu ví dụ thực tế ở địa phương mình: “Một trường THPT ở huyện Phong Điền nhiều năm liền không kết nạp được HS nào vào Đảng nhưng khi thay đổi bí thư, chi bộ này đã kết nạp liên tục 5 đảng viên là HS ưu tú vào Đảng.

Điều đó cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, địa phương là một trong những vấn đề quan trọng trong công tác phát triển Đảng nói riêng, xây dựng Đảng nói chung”. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò tổ chức đoàn, hội trong việc phát hiện, tạo nguồn vẫn chưa tốt. Muốn có nguồn phải tìm, phát hiện, bồi dưỡng; muốn kết nạp 5 thì tạo nguồn phải 10. Vì vậy, cần đưa chỉ tiêu cho cấp ủy để quyết tâm, phấn đấu.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, vì chưa liên thông giữa các môi trường khác nhau nên một đoàn viên khi phấn đấu vào Đảng bị dừng lại nhiều lần. Khi đang học THPT, các em phấn đấu, được ghi nhận nhưng chưa triển khai hồ sơ kết nạp Đảng thì các em tốt nghiệp THPT.

Khi bước vào đại học, với lý tưởng được vào Đảng, các em bắt đầu tiếp tục nỗ lực nhưng vẫn chưa được làm hồ sơ. Khi rời giảng đường đi làm hoặc trở về địa phương, các em lại bắt đầu lại từ đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng mà ảnh hưởng đến tâm tư của người phấn đấu vào Đảng.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để tăng cường lực lượng cho Đảng, nhất là đối tượng HSSV, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính căn cơ. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thị Tĩnh cho rằng, để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cấp ủy các cấp và đảng viên chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho HSSV, không chỉ thông qua hoạt động Đoàn mà còn qua các môn học trong trường học, nhất là môn Lịch sử Đảng.

“Chúng ta phải giáo dục lịch sử làm cho HSSV yêu Đảng, để các em có lý tưởng, động cơ phấn đấu. Đồng thời, phải làm sao để các em có hoài bão trong học tập, phấn đấu, tu dưỡng đạo đức, coi việc được kết nạp Đảng là vinh dự lớn lao đối với bản thân, gia đình”, bà Tĩnh nói.

Đề cập đến giải pháp phát triển Đảng tại Đại học Đà Nẵng, TS Phan Minh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh, Đảng ủy Đại học Đà Nẵng đưa công tác phát triển Đảng làm tiêu chí để đánh giá chi bộ, đảng bộ cuối năm. Các cấp ủy, đoàn thanh niên các cấp thông qua các hoạt động kịp thời phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, giới thiệu để Đảng ủy cử học lớp cảm tình Đảng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể, từ đó phân công đảng viên và tổ chức chi đoàn giúp đỡ, làm cầu nối giữa chi bộ với quần chúng để việc theo dõi, nhận xét, đánh giá, xem xét đề nghị kết nạp Đảng được thuận lợi và thường xuyên. “Quan điểm của Đảng bộ Đại học Đà Nẵng là phát triển đảng viên mới để tăng về số lượng và trẻ hóa đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ nhưng phải bảo đảm về chất lượng, đúng tiêu chuẩn, tăng trí tuệ và sức chiến đấu của Đảng”, Tiến sĩ Đức nhấn mạnh.

Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tạo nguồn phát triển Đảng viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, định hướng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, HSSV để phấn đấu học tập, rèn luyện hoàn thiện bản thân, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đối tượng HSSV, đoàn viên, thanh niên để tăng tính hấp dẫn và thu hút; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất về tiêu chuẩn riêng để đánh giá, xét kết nạp đảng viên mới trong sinh viên tại các đảng ủy cơ sở trực thuộc.

Đặc biệt, cần đề cao vai trò và xác định rõ trách nhiệm của tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên các cấp trong công tác phát triển đảng viên mới đối với đội ngũ cán bộ trẻ và sinh viên; duy trì, phát huy vai trò của chi bộ sinh viên làm cầu nối trực tiếp giữa Đảng với sinh viên và sinh viên với Đảng. Song song đó, đẩy mạnh các phong trào hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên học tập, rèn luyện, thông qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng xem xét kết nạp.

Đặc biệt, phải tạo nhiều diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo với HSSV nhằm lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, nhất là những vấn đề có liên quan đến học tập và hoạt động của họ. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy ở địa phương với cấp ủy trong nhà trường để phát hiện và tạo nguồn đảng viên, phối hợp trong công tác cung cấp thông tin, xác minh lý lịch đối với HSSV. Các cấp ủy nhà trường và địa phương phải có kế hoạch cụ thể và chủ động tạo nguồn phát triển Đảng trong đội ngũ cán bộ trẻ và sinh viên, phải có sự quan tâm chú ý ngay từ khi sinh viên mới vào trường.

Đề ra giải pháp căn cơ liên quan trách nhiệm của tổ chức đoàn thanh niên, ông Bùi Quang Huy cho rằng, các cấp bộ Đoàn cần tạo ra được môi trường để HSSV rèn luyện, từ đó kịp thời phát hiện đoàn viên, thanh niên tích cực có nguyên vọng vào Đảng. Đồng thời chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền kiến thức truyền thống lịch sử cách mạng để đoàn viên hiểu về Đảng, yêu Đảng, từ đó có động cơ phấn đấu.

“Với trách nhiệm giới thiệu đoàn viên cho Đảng thì hằng năm, tổ chức Đoàn phải phân loại để chọn những đoàn viên xuất sắc, ưu tú. Nếu việc phân loại, bình chọn đoàn viên của các tổ chức Đoàn không nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến nguồn, chất lượng kết nạp Đảng. Đồng thời phải tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ và tham mưu cho cấp ủy quan tâm đến những đoàn viên đó, không để kéo dài dẫn đến không kết nạp được đoàn viên ưu tú vào Đảng”, ông Huy nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, để thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong HSSV, quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến chi bộ.

Do đó, các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, có đề xuất liên quan đến quy trình, thời điểm, độ tuổi kết nạp HSSV vào Đảng… để điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn, chọn được “điểm rơi” lúc HSSV sung sức, có hoài bão cao nhất. “Nếu nhận thức đúng đắn, sâu sắc sẽ có quyết tâm, có quyết tâm sẽ có con đường, có con đường sẽ có kết quả tốt”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.