Chính trị - Xã hội

Phòng, chống xâm hại trẻ em trong cộng đồng

13:45, 14/06/2023 (GMT+7)

Tình trạng xâm hại trẻ em để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ, tác động tiêu cực đến xã hội. Việc phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Hội đồng Đội quận Hải Châu phối hợp với Trường Tiểu học Trần Văn Ơn tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho học sinh nhà trường vào tháng 4-2023. Ảnh: N.Q
Hội đồng Đội quận Hải Châu phối hợp với Trường Tiểu học Trần Văn Ơn tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho học sinh nhà trường vào tháng 4-2023. Ảnh: N.Q

Vụ việc xâm hại trẻ em gia tăng

Theo thống kê của Công an thành phố, từ năm 2021 đến ngày 30-4-2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 44 vụ, gồm 57 đối tượng xâm hại trẻ em. Tổng số trẻ em bị xâm hại là 46 em (37 trẻ em gái). Trong đó, hình thức xâm hại tình dục chiếm đến 34 vụ/36 em, chủ yếu là giao cấu, hiếp dâm, dâm ô với trẻ em.

Bên cạnh đó, hình thức bạo lực, cố ý gây tổn hại thể chất, tinh thần cho trẻ có 10 vụ/10 em. Nạn nhân bị xâm hại tập trung nhiều ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi, với 35 em. Trong các vụ án, một số trường hợp là người thân ruột thịt, người quen, hàng xóm của bị hại; còn phần lớn là bị cáo có quan hệ tình cảm yêu đương trước đó với bị hại là người dưới 16 tuổi.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Thu Hương, những vụ bạo hành xâm hại trẻ em trong gia đình bị phát hiện chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Nguyên nhân phạm tội xâm hại trẻ em xuất phát từ nhiều phương diện, trong đó do các bậc phụ huynh, người chăm sóc hiểu biết chưa đầy đủ về đặc điểm tâm sinh lý trẻ; thiếu quan tâm, chia sẻ vấn đề giới tính và quản lý trẻ. Bên cạnh đó, bản thân các em cũng thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Ngoài ra, do sự du nhập, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm từ các trang mạng xã hội cũng dẫn đến hành vi lệch chuẩn ở trẻ em. Hành vi xâm hại trẻ em tác động xấu đến đời sống tinh thần, sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ và gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

Thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ.

Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Lê Thị Tám cho biết, thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn thành phố tiếp nhận và trực tiếp giải quyết 16 đơn thư, vụ việc về vi phạm quyền trẻ em như mất tích, tranh chấp quyền nuôi con, bạo lực, xâm hại tình dục, bỏ rơi. Sau khi tiếp nhận đơn thư, các cán bộ hội thu thập thông tin và hỗ trợ, cứu trợ, nhận chăm sóc ban đầu các em bị bỏ rơi, tư vấn phục hồi tâm lý cho các em bị xâm hại.

Trong khi đó, Thành Đoàn và các địa phương đã huy động nguồn lực xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em ở các địa bàn khó khăn, miền núi. Các cơ sở Đoàn xây mới 60 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi với tổng trị giá hơn 5,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chuyên mục được đăng tải trên mạng xã hội, trong các buổi sinh hoạt chi đoàn như: “Mái trường tích cực - Nói không với bạo lực”; “Xây dựng tình bạn đẹp - Phòng, chống bạo lực học đường”… góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Hiện nay, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác trẻ em được các sở, ngành chú trọng. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Thu Hương, từ năm 2021 đến nay, Sở phối hợp với các hội đoàn thể, địa phương tổ chức 17 lớp tập huấn nghiệp vụ cho người phụ trách công tác trẻ em nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, Sở triển khai 4 đợt kiểm tra, thanh tra tại các quận, huyện, xã, phường và các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH) thường xuyên tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại thông qua tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài 1022 của thành phố và tư vấn trực tiếp tại trung tâm.

“Thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH phối hợp các sở, ngành, hội, đoàn thể và UBND các quận, huyện triển khai hiệu quả các hoạt động trong tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.

Trong đó, chú trọng truyền thông tư vấn, nâng cao nhận thức trong gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, lao động trẻ em; thông tin, tố giác kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ phối hợp liên ngành về hỗ trợ, can thiệp và xử lý kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột sức lao động”, bà Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.

NGỌC QUỐC

.