Chính trị - Xã hội

Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến thủ tục về đất đai còn rất 'khiêm tốn'

14:01, 24/06/2023 (GMT+7)

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022 - APCI 2022 (do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa LinkSME của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ), tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các thủ tục hành chính về đất đai còn rất “khiêm tốn”.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mà Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: Báo Tin tức
Số lượng dịch vụ công trực tuyến mà Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

Nghiên cứu về việc tìm hiểu thông tin và khả năng thực hiện trực tuyến (một phần và toàn trình) của các thủ tục hành chính về đất đai tại thời điểm tháng 9/2022 cho thấy, có 44 tỉnh có kết nối thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với ít nhất một trong số ba thủ tục hành chính về đất đai, gồm: Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến được thực hiện nhiều nhất là thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ba tỉnh Hậu Giang, Quảng Ninh và Trà Vinh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tất cả các thủ tục về đất đai.

Tuy nhiên, số liệu khảo sát từ doanh nghiệp vẫn cho thấy những con số khiêm tốn về thực tế thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các thủ tục hành chính về đất đai, chỉ có 5% doanh nghiệp đã thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và 1% doanh nghiệp cho biết đã nhận kết quả trực tuyến.

Tổng số thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp thực hiện trực tuyến ngắn hơn từ 50-70% so với tổng thời gian của các doanh nghiệp thực hiện trực tiếp. Các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến có thời gian tìm hiểu thông tin dài hơn so với các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp, bù lại thời gian ở tất cả các bước thực hiện khác thì thủ tục hành chính trực tuyến giảm đáng kể so với thủ tục hành chính trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước.

Các lỗi về thông tin không rõ ràng, lỗi tải file quá nặng, không thể sửa được tên file được phản ánh từ nhiều doanh nghiệp thực hiện trực tuyến tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng dịch vụ công trực tuyến sẽ hoàn thiện hơn nếu có tin nhắn thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ, phát hành thông báo thuế… để doanh nghiệp chủ động biết hồ sơ của mình đang ở giai đoạn nào, trạng thái nào.

Ngoài ra, việc đóng thuế sử dụng đất/tiền thuê đất trực tuyến chưa được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận rộng rãi. Có nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc đóng thuế trực tuyến (qua dịch vụ internet banking) và in biên lai điện tử ra nhưng bị yêu cầu phải xin xác nhận của ngân hàng vào biên lai đó, việc xin xác nhận làm giảm hiệu quả của việc đóng thuế trực tuyến. Có thể thấy việc trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý đất đai, cơ quan thuế và các tổ chức tài chính cần được cải thiện hơn nữa để giúp giảm thiểu gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp, đẩy nhanh công tác triển khai giao dịch tài chính điện tử đối với các thủ tục đất đai.

Tính đến tháng 12/2022, người dân, hộ gia đình đã có thể thực hiện thanh toán nghĩa vụ thuế đối với giao dịch đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mã số thanh toán chính là mã hồ sơ được ghi trong "Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả" của cơ quan nhà nước (Văn phòng đăng ký đất đai) và số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người sử dụng đất; người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, chức năng này chưa được áp dụng cho đối tượng là doanh nghiệp.

Được đánh giá là địa phương có thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính tốt nhất với tổng chi phí tuân thủ khoảng 2,3 triệu đồng đối với mỗi thủ tục hành chính về đất đai, Vĩnh Phúc đã ứng dụng công nghệ thông tin và thay đổi quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai. Trong năm 2021-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai bằng việc tiến hành phân loại thủ tục hành chính để áp dụng quản lý giải quyết theo tiêu chuẩn ISO. Sở cũng đào tạo và bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ để duy trì cập nhật ứng dụng phần mềm điện tử phiên bản TCVN ISO 9001:2015 và triển khai phần mềm nội bộ hỗ trợ nghiệp vụ tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Để thống nhất cách thức và quy trình giải quyết thủ tục hành chính giữa các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm của tỉnh để xây dựng và hoàn thiện quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (Phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến), kết nối, tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai đến các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, góp phần cắt giảm các bước trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước đây, nếu như không có dịch vụ thanh toán trực tuyến, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực đất đai phải chuyển hồ sơ trực tiếp cho cơ quan thuế để lấy thông báo nộp thuế, sau đó chuyển đến công dân và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc triển khai ứng dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần loại bỏ các bước trung gian, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo TTXVN

.