Chính trị - Xã hội
Chi phí không chính thức tăng làm tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
ĐNO - Sáng 18-7, thảo luận tại kỳ họp thứ 12 của HĐND thành phố, đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố cho biết, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến. Qua khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "chi phí không chính thức" tăng.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa), Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn (trái) và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (phải) chủ trì phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: PV |
Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh không thể lấy chỉ số cảm nhận coi là giá trị tuyệt đối để đánh giá.
Theo ông Hòa, 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng thành phố chậm lại trong xu hướng chung của cả nước (3,74 so với 3,72). Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2023, để đạt mức tăng từ 6,5% thì 6 tháng cuối năm phải tăng từ 9-10%. Đây là nhiệm vụ rất khó trong bối cảnh hiện nay.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GRDP của Việt Nam năm 2023 khả năng chỉ đạt khoảng 5,5%. Để thành phố có mức tăng trưởng lớn hơn cả nước là rất khó. Nếu tăng trưởng thành phố cả năm 2023 đạt 5-6%, tốc độ 6 tháng cuối năm phải đạt từ 6,5-8%, khá khiêm tốn so với kịch bản tăng trưởng GRDP đặt ra từ đầu năm.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, khu vực công nghiệp – xây dựng sẽ phải cố gắng duy trì và đạt mức tăng dương, trong khi khu vực dịch vụ phải tăng trên 8-9,5%.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: PV |
6 tháng cuối năm, 6 ngành chủ lực của thành phố (chiếm 52% quy mô GRDP) hàng năm) phải có tốc độ tăng trưởng kỳ vọng khá cao. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả những giải pháp đã trình bày trong báo cáo của UBND, thành phố cần có thêm những giải pháp đột phá trong ngắn hạn để sớm phục hồi và nhanh chóng phát triển các ngành về công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn, dịch vụ ăn uống.
Liên quan đến các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2022, đại biểu Hòa cho biết, kết quả PCI năm nay cho thấy thành phố dù vẫn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu, nhưng đã có sự tụt giảm đáng kể cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2021.
Thành phố đạt 68,52 điểm, xếp thứ 9 cả nước, giảm 1,9 điểm và giảm 5 bậc so với kết quả năm 2021. Đây cũng là vị trí xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây.
Một số chỉ số, chỉ tiêu thành phần chưa được cải thiện, thậm chí giảm sút (như chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chỉ số chi phí gia nhập thị trường) liên quan đến hướng dẫn thủ tục nói chung và các thủ tục liên quan đến việc cấp phép kinh doanh có điều kiện nói riêng; cùng với tình trạng nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực có thể là nguyên nhân của sự giảm sút nói trên.
Chỉ tiêu “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp" là phổ biến thuộc chỉ số thành phần “chi phí không chính thức” được khá nhiều người quan tâm do tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý tăng khá cao là xu hướng chung của toàn quốc (trong đó Đà Nẵng cũng khá cao lên đến 73,03%). Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân cảm nhận này của cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới
Ông Hòa đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2023, thành phố phải tiếp tục tập trung nỗ lực hơn nữa nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục đích hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, bên cạnh một số chỉ số tăng, theo thống kê, cố một số chỉ số giảm rất sâu, cần đánh giá lại. Đây không phải do cơ chế, chính sách.
Ví dụ, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố triển khai không khả thi; chỉ số tiếp cận đất đai giảm rất sâu… Cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết cụ thể, đầy đủ. Đây là những vấn đề mang tính chủ quan. UBND thành phố cần chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm giải pháp để khắc phục những hạn chế nói trên.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: PV |
Thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc liên quan đến bất động sản
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng, tình hình kinh tế thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang bị nhiều cú “đấm kép” như: hậu Covid; sự suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực đã tác động đến hoạt động đầu tư, làm “rung lắc”, “nhiễu động” rất mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Từ đó làm suy giảm nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, năng lực và sức cạnh tranh cũng như niềm tin và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh năng động, linh hoạt và cạnh tranh hơn so với khu vực và cả nước.
Thành phố rà soát loại bỏ hoặc không đặt thêm các quy định, triển khai các hoạt động mang tính chất rào cản hoặc không tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; cần có chính sách ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa trong việc chia sẻ, đồng hành và tiêu thụ các sản phẩm của địa phương…
UBND thành phố cần có chương trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành trước đây.
Theo đại biểu Phúc, 6 tháng cuối năm 2023, thành phố hạn chế hoặc không tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo đến doanh nghiệp, trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm giúp doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh và ổn định tình hình.
Thành phố cần tập trung giải quyết các tồn đọng về đất đai, thị trường bất động sản để khơi thông nguồn lực. “Một trong những nguyên nhân của kinh tế sụt giảm là do ngành xây dựng và bất động sản gặp nhiều khó khăn, trầm lắng, thậm chí đóng băng. Các vụ việc liên quan đến đất đai trước đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án bất động sản đang được triển khai”, đại biểu Phúc nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc đề nghị thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc liên quan đến bất động sản đặt dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Các doanh nghiệp hiện đang tiếp tục kinh doanh nhưng do khó khăn vẫn còn nợ tiền thuê đất thì giãn tiền thuê đất.
Thành phố cần linh hoạt có chính sách điểu chỉnh đơn giá đất cho thuê đối với các khu đất thương mại dịch vụ theo từng mục đích sử dụng khác nhau trong cùng một dự án.
NHÓM PHÓNG VIÊN