Chính trị - Xã hội
Chia sẻ với người khó hơn mình
Về hưu, bà Phan Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội 8 Thuận An, phường An Khê (quận Thanh Khê) có 15 năm làm nghề giữ trẻ tại nhà. Nhưng ảnh hưởng của Covid-19 làm công việc của bà gián đoạn. Con gái bà liền gợi ý ba mẹ chuyển sang làm dịch vụ in ấn vì công việc phù hợp với sức khỏe của hai ông bà.
Vợ chồng bà Phan Thị Hồng tại cơ sở in của gia đình ở địa chỉ 313/29 Nguyễn Phước Nguyên, phường An Khê, quận Thanh Khê. Ảnh: H.L |
Thời gian đầu, khách hàng, đơn hàng đều nhờ con gái tìm. Sau một thời gian, cơ sở in ấn của bà Hồng được nhiều người biết tiếng, khách hàng đông lên. Năm ngoái, bà Hồng bắt đầu tuyển thêm thợ để hỗ trợ công việc. Thấy trong chi hội phụ nữ còn vài gia đình là hộ nghèo vẫn có đủ sức khỏe mà chưa có việc làm ổn định, bà mời họ làm gia công in ấn.
Tiếp theo là những ngày vợ chồng bà Hồng dạy nghề, trang bị bàn in và thợ in có thể chủ động thời gian làm việc, chỉ cần cuối ngày giao sản phẩm hoàn chỉnh cho bà. Theo bà Hồng, công việc không có gì nặng nhọc, vẫn còn đi lại được là làm được, chỉ in theo mẫu mã khách hàng giao do con gái bà hỗ trợ, chuẩn bị sẵn. Ngoài in còn dán bao bì, dán hộp đựng thuốc, dán túi giấy. Phụ nữ ngoài thời gian in vẫn có thể làm việc nhà, đưa đón con đi học. Nếu công việc đều, làm và ăn theo sản phẩm, mỗi hộ nhận gia công có thể nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Theo bà Hồng, số tiền này chưa phải là nhiều, song có thể giúp các hộ nghèo cải thiện đời sống, có một công việc tương đối ổn định hơn trước. “Hai vợ chồng tôi có lương hưu, vẫn ổn hơn nhiều bà con ở đây. Mình có việc thì chia sẻ bớt với người khó hơn. Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, tôi quan niệm như thế nên việc hỗ trợ hộ nghèo cũng là một phần trách nhiệm của những người làm công việc đoàn thể như mình”, bà Hồng nói.
Tổ 47 phường An Khê, nơi gia đình bà Hồng cư trú, 5 năm trước có 15 hộ nghèo, cận nghèo, hiện chỉ còn 2 hộ. Ở đây có chưa đầy 40% số hộ dân có thu nhập ổn định, còn lại không có việc làm thường xuyên, phải làm thợ hay buôn bán nhỏ lẻ, nếu gặp sự cố đột xuất hay bệnh tật nhiều hộ dễ hơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Những năm qua, chi hội phụ nữ số 8 Thuận An làm cầu nối giúp nhiều hộ vay vốn làm hương, buôn bán, nhiều chị được hỗ trợ máy may công nghiệp để nhận may gia công hay xe nước mía bán theo mùa cũng có đồng vào đồng ra nuôi con ăn học. Theo bà Hồng, 3 năm qua phụ nữ phường An Khê thường xuyên tổ chức các phiên chợ 0 đồng, tổ chức thăm hỏi những chị em đau ốm. Các chị cũng chủ yếu vận động “ở chỗ có đến chỗ khó”, san sẻ với nhau để giảm bớt gánh nặng xã hội.
Nhiều năm nay các chi hội phụ nữ của phường triển khai mô hình “chai xanh yêu thương” thu gom rác tái chế. Nhà bà Hồng trở thành nơi tập kết các loại giấy báo, bao bì các-tông. Ở bên ngoài cửa nhà, một lồng sắt và lưới thép hình một cái chai lớn đựng các loại rác tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa để người dân có thể thuận tiện bỏ vào.
Định kỳ hằng tuần, chi hội phụ nữ mở “chai xanh yêu thương” ra lấy các loại rác tái chế đem bán phế liệu. Bà Hồng cho biết riêng chi hội của bà (bao gồm 2 tổ dân phố) mỗi tháng thu được khoảng 500.000 đồng. Số tiền thu được dùng làm quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức phiên chợ 0 đồng. Mô hình “chai xanh yêu thương” được triển khai ở nhiều khu dân cư trong toàn phường, phát huy tính tích cực của người dân khi phân loại rác tại nguồn và đem lại nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.
Nhiều năm làm chi hội trưởng phụ nữ, bà Hồng xác định đã làm thì tạo phong trào, nhiệt tình để tạo ra hiệu quả. Có thể nói, việc cơ sở in của bà hỗ trợ các hộ nghèo trong khu dân cư có việc làm, dù nói như bà cũng là những việc nhỏ bé, song thực sự mang ý nghĩa lớn khi cứu cánh cho những người lao động yếu thế.
HIỀN LƯƠNG