Chính trị - Xã hội

Nâng cao công tác phòng ngừa mại dâm

18:13, 11/07/2023 (GMT+7)

ĐNO - Thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, mại dâm nói riêng được các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố tích cực triển khai. Ngoài thanh tra, kiểm tra, điều tra, triệt phá, xử lý vi phạm, hoạt động tuyên truyền từ các mô hình tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa cho người dân đang được xem là giải pháp hiệu quả.

.
Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố và các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động 57 cơ sở, đề nghị xử phạt 3 cơ sở số tiền 31,5 triệu đồng, nhắc nhở 42 cơ sở.

Hiện nay, toàn thành phố có 1.259 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ 447 cơ sở; karaoke và massage 135 cơ sở; quán bar: 6 cơ sở; nhà hàng, quán cafe, cắt tóc thư giãn, loại hình khác 671 cơ sở. Đây được xem là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Để đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ, đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cai nghiện ma tuý và hỗ trợ sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023.

Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố và các quận, huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc, cà phê...;  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tập trung xử lý kịp thời đối với các vụ việc theo phản ảnh của nhân dân, cơ quan báo đài, hoặc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Thời gian qua, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng phường, tổ dân phố, đạt tiêu chí an toàn về an ninh trật tự và không có tệ nạn mại dâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, biến tướng, ngoài việc sử dụng nhiều phương tiện thông tin liên lạc để tìm khách mua dâm, các đối tượng “gái gọi” còn hoạt động nhiều nơi, trá hình dưới nhiều hình thức thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram hoạt động khép kín, chặt chẽ khó phát hiện. Các đối tượng môi giới, gái bán dâm luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn để đối phó gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý. Các đối tượng gái bán dâm lợi dụng các cơ sở hớt tóc nam hoạt động vào ban đêm, massage để thực hiện hành vi kích dục, mua, bán dâm cho khách. Vẫn còn tình trạng các đối tượng gái bán dâm thường hoạt động tại các tuyến đường giao thông khu vực giáp ranh giữa các địa bàn để dễ hoạt động và tránh sự truy quét của các cơ quan chức năng.

Trước tình hình đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố và các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động 57 cơ sở, đề nghị xử phạt 3 cơ sở số tiền 31,5 triệu đồng, nhắc nhở 42 cơ sở.

Theo ông Ngô Văn Sang, Phó trưởng phòng phòng chống tệ nạn xã hội, để công tác phòng, chống mại dâm đạt hiệu quả trong thời gian đến, cơ quan chức năng cần chú trọng công tác phòng ngừa ngay tại cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa mại dâm lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội trên từng địa bàn khu dân cư.

Ngoài ra, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm như "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm", “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội", "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới".

Thành phố cần thiết lập đường dây nóng, thực hiện tiếp cận, hỗ trợ người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; tổ chức sinh hoạt nhóm; thăm khám sức khỏe sinh sản, trợ giúp pháp lý cho lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm cho nhóm nguy cơ cao dễ dẫn đến mại dâm để ổn định cuộc sống.

Các địa phương cần tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát, đánh giá, dự báo về nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này.

MỸ AN

.