Chính trị - Xã hội
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội
Ngày 6-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2018-2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô lớn và phản biện có chiều sâu. Các dự án luật, đề án được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm như: dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Mặt trận các cấp tổ chức 87.356 đoàn giám sát, nội dung giám sát tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, chính quyền, quản lý tài nguyên đất đai, quản lý hành chính...
Tại Đà Nẵng, Mặt trận các cấp thành phố chủ trì tổ chức 683 đoàn giám sát với 205 chuyên đề và tham gia 1.056 cuộc giám sát với các cơ quan, nội dung phong phú. Đồng thời tổ chức 230 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân như các chủ trương,
chính sách của thành phố, về các đề án như giảm nghèo, môi trường…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 403, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nghiên cứu quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác tham mưu tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, chú trọng công tác phối hợp các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, khơi dậy phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện thật tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
NGUYỄN QUANG