Chính trị - Xã hội
Xây dựng luật theo hướng kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường
Thảo luận về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị cần rà soát lại để tránh chồng lấn phạm vi điều chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước dưới đất nhưng chứa khoáng chất, có nhiệt độ cao hơn nước thông thường. Tuy vậy, loại nước này vẫn có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật. Hơn nữa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên khác với các loại khoáng sản khác ở khả năng có thể tái tạo nếu được khai thác và sử dụng hợp lý. Do đó, nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Điều 53 đăng ký cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước, trong khoản 2, có nói rõ các trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép khai thác tài nguyên nước. “Về cơ bản tôi đồng ý về nước mặt, nhưng còn nước ngầm tôi đề nghị cân nhắc”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, bây giờ ở nông thôn việc các gia đình khoan giếng lấy nước sinh hoạt, không phải xin cấp phép. “Cho nên nước ngầm phải hết sức lưu ý, tôi đề nghị nghiên cứu thêm, phải chặt chẽ hơn. Không phải đăng ký cuối cùng nó sụt đất, rất nguy hiểm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt (Điều 43), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung một chương quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; bổ sung điều kiện năng lực của đơn vị cấp nước khi tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước; bổ sung quy định về phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước để tránh chồng chéo, xung đột giữa các đơn vị cấp nước; chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi phát sinh trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bổ sung quy định sử dụng, hợp đồng mua bán nước sinh hoạt; ứng phó đối với các sự cố về nước, cấp nước…
Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thấy rằng, việc quản lý cấp nước sinh hoạt đang thực hiện theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP. Để tránh chồng chéo trong quy định pháp luật về quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt… tại Điều 27 và Điều 43 dự thảo Luật. Còn các nội dung cụ thể về khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước. Do đó, xin không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về xây dựng kế hoạch thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng đặc biệt, đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp.
Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý và thể hiện như tại khoản 4, khoản 5 Điều 27; và khoản 7, khoản 8 Điều 78 dự thảo Luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện, đó là: Đồng ý rà soát lại các quy định điều khoản quy định chi tiết để luật hóa những gì chúng ta có thể luật hóa được.
“Chúng ta vẫn nói câu chuyện phải chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Cho nên cần rà lại cái này. Tránh, giảm, hạn chế chuyện xin cho”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng đã có chủ trương rất lớn là kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường, nhưng thực tế làm được rất ít. Trong dự án luật này nước là một loại tài nguyên, cho nên cần phải bám sát cơ chế thị trường định hướng XHCN trong việc quản lý sử dụng tài nguyên này.
Theo baotintuc.vn