.

Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

PGS, TS Nguyễn Thế Tư, Học viện Chính trị khu vực III: Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng khẳng định “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả”. Năng lực cầm quyền (NLCQ) của Đảng là những điều kiện cần và đủ nhằm thực hiện phương hướng, mục tiêu chính trị của Đảng, mang lại lợi ích cho nhân dân. Để nâng cao NLCQ của Đảng trong bối cảnh mới hiện nay, Dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ rõ xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Xây dựng Đảng không có mục tiêu tự thân, mà nhằm làm cho Đảng hoàn thành tốt hơn chức trách được nhân dân ủy thác, thực hiện tốt hơn quyền lực do nhân dân ủy quyền. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cần coi trọng phương thức lãnh đạo (PTLĐ) của Đảng đối với Nhà nước. Nhà nước mạnh, điều hành quản lý bằng pháp luật có hiệu quả là chứng tỏ Đảng mạnh, lãnh đạo và định hướng chính trị đúng đắn với PTLĐ phù hợp, không buông lỏng cũng như không bao biện làm thay.

- NLCQ còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, luôn là những “công bộc” hết lòng phục vụ nhân dân.

- NLCQ còn thể hiện ở chỗ phát huy dân chủ với nhân dân. Dân chủ là năng lượng sống, sinh mệnh của Đảng, là phương thức hữu hiệu nhất để thu phục nhân tâm, đánh thức tiềm năng sáng tạo và khát vọng xây dựng đất nước của nhân dân. Từ thực tiễn trong những nhiệm kỳ qua, Dự thảo chỉ rõ “Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền. Chưa thật sự phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan Nhà nước”.

Để Đảng ta thực sự là đại biểu về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc, trường tồn sự cầm quyền của mình, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đảng phải đứng ở tầm cao tư duy lý luận và thực tiễn, có tầm hoạch định toàn cục, tổng thể, đồng bộ, quy hoạch hợp lý cho mỗi giai đoạn cách mạng. Lý luận chân chính có khả năng định hướng soi đường phải được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, Đảng phải kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay và trong những năm tới, công tác lý luận của Đảng phải có những đột phá cả về phương diện nghiên cứu cơ bản cũng như tổng kết thực tiễn. Có như vậy, lý luận mới thực sự tiên phong cung cấp những luận cứ khoa học, những kiến giải sâu sắc để Đảng ta có cơ sở hoạch định các chủ trương, chính sách chính trị đúng đắn, thuận lòng dân.

- Đổi mới mạnh mẽ quá trình hoạch định các chủ trương, nghị quyết. Đây là khâu quan trọng để hiện thực hóa trong thực tiễn. Ngoài việc nâng cao năng lực phát hiện những vấn đề thúc bách, nổi cộm từ thực tiễn cuộc sống, đặt ra cho Đảng, các cấp ủy Đảng phải phân tích khảo sát thực trạng, thuận lợi, khó khăn vấn đề nghị quyết đề cập, còn phải tạo điều kiện, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các nhà khoa học thành tâm góp ý nghiêm túc để nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự phấn khởi trong dân chúng. “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân về những quyết định của mình” (1).

- Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, “có tâm, có tầm”, có khát vọng cống hiến, tận tụy phục vụ nhân dân; thanh liêm về nhân cách. Chủ động làm tốt các khâu của công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất và tài năng, đảm trách các chức danh lãnh đạo, quản lý. Có cơ chế phát hiện, sử dụng, tạo môi trường và điều kiện để nhân tài tỏa sáng, cống hiến cho đất nước.

- Tiếp tục đổi mới  PTLĐ của Đảng cho phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị (HTCT), kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo chúng tôi, trong Dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ hơn phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền. Phương thức cầm quyền thể hiện ở việc xác định đúng đường lối, chủ trương, nghị quyết, phù hợp với quy luật khách quan; bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với HTCT, đặc biệt đối với Nhà nước. Phương thức cầm quyền còn thể hiện ở việc tuyên truyền, thuyết phục, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, trong Dự thảo cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế cực kỳ quan trọng, bởi kinh tế là cái cô đọng nhất của chính trị. Nền kinh tế phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh là cơ sở để tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế ngoài việc xác định mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế… cần làm rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với các tập đoàn kinh tế của Nhà nước bằng phương thức, thể chế, quy chế, quy định cụ thể để các tập đoàn kinh tế phát huy hiệu quả, bảo toàn được nguồn vốn, tránh thất thoát, lãng phí.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đây là chức năng không thể thiếu trong điều kiện Đảng cầm quyền trước những thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với tiếp tục chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu, cần “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” (2). Xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống, mất uy tín trước nhân dân.


(1) Dự thảo Báo cáo chính trị, tr.8.

(2) Dự thảo Báo cáo chính trị (đăng Báo Nhân Dân)

;
.
.
.
.
.