.
Nghị quyết Đại hội XX vào cuộc sống

Điểm sáng an sinh xã hội

.

Với nhiều cách làm hay, giải pháp đột phá như: huy động các nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng mức chuẩn nghèo…, những năm qua, Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu trong công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho đối tượng chính sách, người nghèo.

Uống nước nhớ nguồn

“Muốn sửa cái nhà để có chỗ ở đàng hoàng, không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về nhưng chưa có điều kiện. Nay được thành phố hỗ trợ tiền nâng cái nền, lợp lại mái tôn, tôi mừng quá”, ông Trần Trọng Vĩnh, con liệt sĩ thuộc xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) xúc động nói. Hai vợ chồng ông Vĩnh chỉ trông vào đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi nên dù căn nhà xây dựng cách đây 30 năm đã xuống cấp nhưng đành tạm gác ước mong đó. Với 20 triệu đồng được thành phố hỗ trợ, gia đình ông Vĩnh gom góp thêm 10 triệu đồng để sửa lại nhà cho vững chãi hơn.

Còn gia đình bà Lê Dậu, gia đình chính sách thuộc tổ 12, phường Bình Hiên (quận Hải Châu), giờ đây không còn sợ cảnh nước ngập lênh láng mỗi khi có cơn mưa lớn. “Trước đây, nước ngập, chân tay ngứa ngáy vì bị nước ăn, đồ đạc hư hỏng hết. Nay thành phố hỗ trợ tiền làm nhà cao hơn nên không sợ ngập nữa”, bà Dậu vui mừng nói.

Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Đà Nẵng tập trung nguồn lực từ ngân sách, vận động hỗ trợ xây và sửa chữa hơn 2.000 căn nhà cho đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc với kinh phí trên 55 tỷ đồng (mỗi hộ được hỗ trợ từ 20-60 triệu đồng). Thành phố còn bố trí 550 lô đất và 166 nhà chung cư cho gia đình chính sách có khó khăn về đất ở, nhà ở.

Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, Đà Nẵng đã 3 lần bổ sung, sửa đổi Quyết định hỗ trợ cải thiện nhà ở. Mỗi lần sửa đổi bổ sung, đối tượng đều được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, hơn 6.000 hộ chính sách trong diện di dời giải tỏa đã được thành phố bố trí đất tái định cư và miễn giảm tiền sử dụng đất với kinh phí hơn 140 tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng, phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn được các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực. Từ năm 2002, thành phố kêu gọi các đơn vị nhận phụng dưỡng; năm 2007 nâng mức phụng dưỡng từ 300.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng và đến năm 2010 là 1 triệu đồng/tháng. Đối với các Mẹ có mức phụng dưỡng thấp hơn quy định, thành phố sử dụng ngân sách cấp bù cho đủ mức quy định. Ngoài chế độ trợ cấp, tiền phụng dưỡng, các cơ quan, đơn vị, chính quyền và các đoàn thể còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng các vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng…, giúp các Mẹ có cuộc sống ổn định.

Nâng mức chuẩn nghèo

“Sự đồng thuận cao từ trên xuống dưới chính là chìa khóa để thực hiện tốt các chính sách xã hội. Nhờ vậy, đời sống của các đối tượng yếu thế được cải thiện đáng kể”, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói.

Theo ông Hoàng, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương ban hành, thành phố còn có các chính sách ưu việt, nổi trội so với Trung ương quy định như: cho vay vốn hỗ trợ 100% lãi suất đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt với mức vay 30 triệu đồng trong 3 năm, hỗ trợ hằng tháng với mức 400.000 - 500.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng bị bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo; hỗ trợ người bị mất sức lao động; trợ cấp thường xuyên cho người có công giúp đỡ cách mạng và thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21-30% thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ về nhà ở, bố trí chung cư, nhà liền kề…

“Được địa phương hỗ trợ chiếc xe máy trị giá 15 triệu đồng để làm nghề xe thồ, cho vay 30 triệu đồng không tính lãi để mua máy may và máy vắt sổ cho vợ, gia đình tôi đã làm ăn và thoát nghèo, nuôi 3 con ăn học đến nơi đến chốn”, anh Nguyễn Vinh (56 tuổi, ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), một trong nhiều người nghèo được thành phố hỗ trợ năm qua, xúc động nói. Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của anh cũng vừa được sửa sang từ số tiền 20 triệu đồng do địa phương hỗ trợ.

Những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp và cách làm năng động như: gặp mặt đối thoại; xây dựng kế hoạch đối với từng hộ; giao cho 3-5 đơn vị, doanh nghiệp vận động nguồn lực giúp các địa phương hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo.

Đồng thời, chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ đặc biệt nghèo vay vốn làm ăn; vận dụng lồng ghép vào các chương trình, dự án, xây dựng, nhân rộng mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tập trung… của thành phố đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh. Nếu đầu năm 2013, thành phố có 22.000 hộ nghèo (mức chuẩn ở khu vực nông thôn là 600.000 đồng/người/tháng, thành thị 800.000 đồng/người/tháng) thì đến cuối năm 2015, thành phố cơ bản xóa hết hộ nghèo, chương trình giảm nghèo về đích trước 2 năm.

Năm 2016,  Đà Nẵng lại áp dụng mức chuẩn nghèo mới (khu vực thành thị 1,3 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn 1,1 triệu đồng/người/tháng), cao hơn mức chuẩn nghèo của cả nước. Những phận nghèo lại tiếp tục được giúp đỡ để có ngày mai tươi sáng hơn nhờ những tấm lòng, những chủ trương chính sách đúng đắn, kịp thời.

Phương Trà

;
.
.
.
.
.