Phát huy vai trò giám sát của mặt trận các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “Tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm minh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã phát huy vai trò giám sát trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

abc
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 tại Cục Hải quan thành phố.

Chủ động tham mưu cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định về PCTNTC theo thẩm quyền. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 30-11-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố” và Quyết định số 2838-QĐ/TU, ngày 24-12-2021 về “Quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR, kết nối tạo thành chuỗi liên kết giữa Trang thông tin điện tử (web); Trang Fanpage Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng để biên soạn phát hành 1.500 cuốn “Sổ tay Hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp” phục vụ công tác truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả về các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác giám sát phản biện của Trung ương và thành phố, trong đó có nội dung giám sát PCTNTC. Qua đó góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTNTC thông qua các hoạt động như: tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 (nay là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) và Điều 31, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Thông qua đợt lấy phiếu tín nhiệm giúp cho cán bộ có điều kiện gần dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về ưu điểm, nhược điểm của bản thân để điều chỉnh, sửa chữa, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Mặt trận thành phố còn hướng dẫn và động viên, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của ban thanh tra nhân dân phường, xã; ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, các khoản đóng góp của nhân dân…

Giám sát PCTNTC

Từ 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đã thực hiện giám sát 212 chuyên đề với 310 cuộc giám sát. Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện 17 cuộc giám sát đối với 18 chuyên đề, qua đó gửi 64 kiến nghị đến đơn vị được giám sát và các cơ quan liên quan; cử đại diện tham gia 46 đoàn giám sát chuyên đề do Thường trực HĐND, các ban của HĐND thành phố, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, sở, ngành thành phố chủ trì. Thực hiện tiếp 72 lượt công dân và nhận 495 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh, đã kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết.

Đặc biệt, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện có hiệu quả 3 chuyên đề giám sát đăng ký với Thường trực Thành ủy với 10 cuộc giám sát: giám sát trách nhiệm người đứng đầu UBND các cấp và đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố trong PCTNTC theo Hướng dẫn số 25-HD/TW ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC  tại 5 đơn vị thuộc quận Liên Chiểu; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại 3 đảng bộ thuộc quận Sơn Trà; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử đối với 2 tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thanh Khê và quận Cẩm Lệ. Qua giám sát, Mặt trận thành phố đã kiến nghị, đề nghị các đơn vị được giám sát tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC và vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử tại địa phương.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp thành phố tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật và giám sát công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về PCTNTC nói riêng. Việc gửi lấy ý kiến Mặt trận và các tổ chức thành viên góp ý vào các văn bản luật liên quan đến nhiệm vụ về PCTNTC được các cơ quan tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến góp ý của MTTQ Việt Nam đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác PCTNTC của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác PCTNTC của MTTQ Việt Nam, tạo sự đồng thuận và ủng hộ trong xã hội đối với công tác đấu tranh PCTNTC của Mặt trận. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần chủ động phối hợp các tổ chức thành viên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân về các giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC. Tập trung phổ biến các văn bản về PCTNTC như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác PCTNTC. Chú trọng biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTNTC phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng trong hệ thống Mặt trận và nhân dân ở khu dân cư. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí của hệ thống Mặt trận trong tuyên truyền về PCTNTC.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là những chính sách, quy định pháp luật thuộc những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách, tổ chức bộ máy các thiết chế trong hệ thống chính trị, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước… và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm và đầu tư hơn nữa về mọi mặt cho hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhất là tập trung giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trong thực thi công vụ gắn với thực hiện nghiêm các nội dung quy định của Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về iếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là các lĩnh vực về quản lý kinh tế, tài chính.

Cuối cùng, nâng cao chất lượng việc tiếp nhận và xử lý thông tin về PCTNTC qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tổng hợp từ hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; thông tin phản ánh, tố cáo của công dân; phản ánh của các cơ quan báo chí, dư luận xã hội…; kịp thời kiến nghị và theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền.

NGÔ XUÂN THẮNG
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

;
;
.
.
.
.
.