.

Mòn mỏi thân cò con

.

Không được học hành, mới 5, 6 tuổi đầu, những em bé gầy nhom đã phải theo mẹ lân la khắp các hàng quán từ sáng đến tận khuya để chào mời kẹo Chewing Gum.

Câm lặng và kiên nhẫn

Mô tả ảnh.

Một bé gái 10 tuổi vừa rời các quán cà-phê cóc ở ngã tư Nguyễn Chí Thanh-Trần Quốc Toản để tiếp tục rong ruổi bán kẹo Chewing Gum.

Từ sáng, hai chị em Ngoan (*) đã chia nhau đi khắp các đường phố, quán ăn, cà-phê cóc ở Đà Nẵng để bán kẹo Chewing Gum. Ngoan 10 tuổi, vừa học hết lớp ba thì nghỉ, còn em Ngoan chỉ mới lên 5, theo mẹ từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng “làm ăn”. Cả hai đều có thân hình gầy ốm, nước da đen đủi và gương mặt gần như chai sạn cảm xúc trước những lời bông đùa hoặc xua đuổi của khách ngồi hàng quán. Ngoan bảo, mẹ em bán đĩa và giao số kẹo đó cho hai chị em bán cho bằng hết. Rất ngây thơ, Ngoan nói: “Ở quê em vào đây bán nhiều lắm. Không có ai đi học cả”.

Buổi tối, sau khi đã lần quần ở bãi biển mời mọc khách tắm biển, Ngoan tiếp tục đạp xe rong ruổi sang các quán nhậu ven đường Hoàng Sa. Dáng của Ngoan trên chiếc xe đạp cũ trở nên xiêu vẹo và chơi vơi dưới ánh sáng đèn đường. Vì đạp xe về phía trái, Ngoan thường xuyên bị những người đi ngược lại la hét: “Đi chi lạ rứa mi. Muốn chết hả?”. Ngoan vẫn phớt lờ, vì mục tiêu của em là quán nhậu đông nghẹt khách trước mặt. Phải mất gần nửa tiếng để em đi khắp các bàn nhậu và chìa ra những vỉ Chewing Gum. Biết rằng tiếng mời của mình sẽ lạc lõng giữa một rừng tiếng nói cười huyên náo, em chỉ đứng câm lặng, đầy vẻ kiên nhẫn cho tới khi có người chịu mua hoặc trừng mắt. Nhưng “công việc” của Ngoan đang bị tranh chấp gay gắt vì trước khi em đến mươi phút, một chị chừng bốn mươi đã “trực chiến” ở đó.

Mẹ bán đĩa, con bán kẹo Chewing Gum

Gần 11 giờ đêm. Một phụ nữ ngoài ba mươi đèo bé gái chừng 6, 7 tuổi trên xe đạp từ hướng các quán ăn ở đường 2-9 đi về khu nhậu bờ hồ Thạc Gián. Khi chị mang các loại đĩa đi chào mời khách, cũng là lúc bé gái lẹ làng xách bao kẹo chạy quanh. Bóng áo hồng bao lấy thân hình loắt choắt thoắt ẩn, thoắt hiện giữa các bàn ăn. Dù không muốn, nhưng thấy em nhỏ bé, nhiều phụ nữ mủi lòng mua vỉ kẹo, hoặc móc túi cho thêm ít tiền.

Câu chuyện: Con chưa đầy 10 tuổi bán kẹo Chewing Gum, mẹ bán đĩa không còn là chuyện lạ. Mẹ có thể cùng bán, hoặc chở con đến địa điểm “làm ăn” rồi sau đó quay lại đón. Một cán bộ Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố (TTBTTEĐP) kể: “Có em khi được chúng tôi hỏi tới, mới nói là ba em đang uống cà-phê ngoài kia chờ”. Đa số những em nhỏ đi buôn bán như trên đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Các em khá kín tiếng, thường ít trả lời câu hỏi của người chung quanh về quê quán, chỗ ở, ba mẹ...

Thành lập tổ liên ngành để xử lý lạm dụng trẻ em lao động

Theo TTBTTEĐP, trẻ em lao động sớm đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhưng trong vai trò là một tổ chức phi chính phủ, trung tâm khó lòng can thiệp để bảo vệ các em. “Chúng tôi chỉ có thể khuyên nhủ, đề nghị các em lang thang, cơ nhỡ và không gia đình vào trung tâm. Đối với các em nhỏ có gia đình theo, mình có muốn cũng không giúp được. Vì trong các gia đình đó, con cái mang lại nguồn thu nhập cho cha mẹ, cha mẹ không bao giờ để chúng tôi can thiệp”, một cán bộ của trung tâm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, cách đây vài năm, Sở phối hợp với Công an phát hiện và giải tán một khu nhà trọ chỉ toàn trẻ em lưu trú để buôn bán. Còn hiện nay, sau khi họp thống nhất với các Sở Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Công an, Sở LĐ-TB-XH đã đề nghị thành lập tổ liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát những nơi chứa trẻ em lưu trú để bán hàng rong.

Nếu phát hiện việc lạm dụng hoặc “chăn dắt” trẻ em lao động, sẽ tiến hành truy tố ngay theo luật định. Tuy nhiên, hầu hết các em đều có gia đình và buôn bán vì nhu cầu cuộc sống nên rất khó xử lý. “Chính quyền các địa phương của thành phố có thể đưa các trường hợp này về nơi họ cư trú để địa phương đó có chính sách hỗ trợ hợp lý. Khi họ tái phạm lần thứ 3 mới xử phạt hành chính. Chỉ khi cha mẹ bắt trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm mới có thể truy tố được”, ông An khẳng định.

Ngoài ra, Nghị định 37 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-4-2010 quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em cũng đưa ra tiêu chí: tỷ lệ trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc xa gia đình (nơi đi) để đánh giá xã, phường. Theo ông An, đó cũng là cách để địa phương giám sát nghiêm ngặt hơn, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng lao động sớm.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

;
.
.
.
.
.