.

Người đàn bà đam mê cổ vật

.

(ĐNĐT) - Khu “bảo tàng tư gia” của bà Tôn Nữ Thanh Toàn (Lô 6-7 đường Nguyễn Tất Thành, Xuân Thiều, TP Đà Nẵng) đầy ắp cổ vật. Ba gian nhà của bà chật ních đồ cổ, chỉ chừa lại lối đi. Ngôi nhà này từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những du khách và những người đam mê cổ vật.

Hàng nghìn các mẫu gốm, búa rìu bằng đá, bằng đồng, các trang phục… từ thời Lý, Lê, Trần đều được trưng bày trong gian nhà của bà.

Một đời cho cổ vật

Bà Toàn say sưa giới thiệu với khách tham quan, tìm hiểu cổ vật


Bà Toàn cho biết, "ngay từ khi lên 8 tuổi, bà đã có “máu” đam mê với các cổ vật. Với bà, đó là một sự đam mê đến mức khó dứt nổi. Hình ảnh về các đồ vật của vị vua chúa của triều Nguyễn trong cung thành Huế, cũng như hình ảnh về những vật cổ của ngôi làng Lương Quán (Huế) đã ăn sâu vào tiềm thức. Ngay từ nhỏ, tôi đã bị cuốn hút bởi những chi tiết độc đáo, lạ mắt. Thế là từ đó, tôi nảy ra ý định đi tìm nguồn gốc của nó”. “Bảo tàng tư nhân” của bà hiện nay có tới hơn 2.000 cổ vật của nhiều niên đại khác nhau.

Chỉ cho tôi xem bộ sưu tập về hàng ngàn mẫu gốm thuộc đủ các niên đại khác nhau, bà bảo, cứ nhìn gốm là biết nó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn, thời nhà Lý, đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen; nhà Lê thì lại có men trắng xanh, họa tiết rối hơn; đời Trần thì họa tiết đã đạt đến độ tinh xảo, men dày và sâu hơn… Một bức tranh viết bằng chữ Hán cổ, được treo một cách trang trọng ngay gian giữa của căn phòng, đó là chiếu chỉ của vua ban cho gia đình bà, nên được nâng niu hơn cả báu vật. “Nó là một cổ vật có một không hai, nên nếu bây giờ đem đấu giá, thực sự là một tài sản lớn”, Bà Toàn cho biết.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Bà Toàn dành nhiều thời gian cho những chuyến đi khắp mọi miền Tổ quốc, cả quốc gia Thái Lan, Lào...và sẵn sàng chấp nhận gian nan thường nhật để có được những món đồ gốm cổ. 

Một góc cổ vật trong phòng trưng bày của bà Toàn


“Mỗi lần có dịp đi ra nước ngoài, hễ nhìn thấy cổ vật nào có xuất xứ từ Việt Nam trôi nổi đến đó, là tôi lại thấy xót xa. Xót vì chính chúng ta đã rơi rớt làm mất đi bao nhiêu giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc”, bà Toàn thổ lộ. Nhà và vườn của bà cứ thế được chất đầy những món đồ lớn nhỏ.

“Mấy năm nay tôi đã quen nhiều người nên nhờ họ hễ thấy thì mua giúp. Còn trước đây, cứ nghe nói ở đâu có thứ đồ cổ mới được phát hiện, là tôi tìm tới liền. Đồ tôi sưu tầm được đều gắn với sinh hoạt của người dân lao động, những thứ đó cũng là giá trị do sức lao động của họ làm nên, làm sao không yêu không quý cho được”, bà Toàn nói.

Dẫn tôi đi một lượt quanh gian trưng bày cổ vật, bà bảo: “Cổ vật nó cũng hành con người ta ghê lắm. Không mất ăn, mất ngủ nhưng cũng nhiều lúc phải đau đầu tìm cách giữ gìn, bảo quản chúng. Thêm cả khoản đầu tư không hề nhỏ, bởi thế tôi không bao giờ coi đó chỉ là nghề chơi”. Để giữ các mẫu gốm không bị hư hại, bà đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trang bị tủ kính rồi mua máy hút khí ẩm. Giữ các bức tranh cổ còn khó hơn rất nhiều, bởi chất liệu giấy dùng của hàng trăm năm trước qua thời gian rất dễ bị mục nát, màu hoen ố.

“Ngoài làm văn hóa, gìn giữ văn hóa, tôi còn muốn lưu giữ để cho thế hệ sau biết trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông từ hàng ngàn năm trước để lại”, bà Toàn tâm sự. Giờ ngôi nhà của bà là nơi đến của những nhà nghiên cứu văn hóa, những người sưu tầm đồ cổ, và của du khách thập phương... Để tiện cho việc giới thiệu và khách tham quan dễ hiểu, trong “bảo tàng tư nhân” của mình, bà Toàn đã chăm chút, sắp xếp cổ vật thành những chuyên đề như: một thời Champa, văn hóa ẩm thực, đời thường xưa nay, thuần phong mỹ tục...

Chia tay căn phòng chật chội ấy, tôi nhớ mãi một câu nói của bà: “Yêu cổ vật cũng cần trình độ, bởi đó không chỉ là hiện vật đơn thuần, mà còn là hình ảnh văn hóa của cả một thời đại”.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.