Phóng sự - Ký sự
Tà Lang - Giàn Bí hôm nay
Nghe nhắc đến Tà Lang-Giàn Bí đã nhiều nhưng đến hôm nay chúng tôi mới có dịp để đến được với bà con dân tộc thiểu số ở đây. Có đến, có nghe người dân kể về cuộc sống của mình, chúng tôi mới thấy được những đổi thay kỳ diệu của hai thôn miền núi này thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang sau 65 năm từ khi nước nhà giành được độc lập.
Hầu hết người dân Cơtu ở Hòa Bắc đều được ở trong những ngôi nhà xây kiên cố. |
Ông Bùi Văn Cầm, Già làng thôn Giàn Bí, cũng là một cựu chiến binh từng sống và chiến đấu trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945, trong câu chuyện kể của mình về quê hương sau ngày 2-9-1945, vẫn luôn nhắc về Cụ Hồ, về bản Tuyên ngôn Độc lập của ngày nào, và về Đảng, Nhà nước. Ông kể: “Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi vui sướng, tự hào vì ta đã đánh đuổi được bọn giặc, được tự do, độc lập, và sẽ được no cơm ấm áo. Và đến bữa ni thì người dân tộc chúng tôi không còn sợ đói nữa, vì đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống”.
Hai thôn dân tộc thiểu số Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc chủ yếu người Cơtu sinh sống. Đời sống của người dân trước đây luôn bị hiểm họa đói nghèo, bệnh tật rình rập. Từ khi có Đảng, đất nước được khai sinh, và nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đời sống của người Cơtu ở hai thôn này dần dần khởi sắc. Anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí tâm sự: “Những chuyện trước đây chúng tôi chỉ được nghe ông bà cha mẹ kể lại, rằng người Cơtu chúng tôi sống khốn khó lắm.
Với tập tục du canh, du cư, phá rừng làm rẫy nên có ăn đã khó, nói gì đến ăn no. Nhưng từ khi đất nước độc lập cho đến nay, người Cơtu không những được ăn ngon mà còn có xe máy để chạy, có điện thoại di động để trò chuyện với bạn ở xa. Đó là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chương trình dành cho người dân tộc thiểu số, chẳng hạn như dự án 327 về trồng cây keo, dự án 661 về quản lý bảo vệ rừng…”.
Để có được Tà Lang-Giàn Bí như hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của thành phố, của huyện Hòa Vang thông qua các chương trình của các hội, đoàn thể. Cuộc sống tự cung tự cấp, phát nương làm rẫy được chuyển sang định canh định cư, từng bước thực hiện sản xuất lúa nước, phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư tương đối đồng bộ, việc xóa nhà tạm được thực hiện khá tốt, kết hợp với vốn chương trình 134 và ngân sách huyện đến nay đã kiên cố hóa 100% nhà ở cho đồng bào dân tộc 2 thôn với tổng số vốn 1,128 tỷ đồng.
Về cơ bản, đến nay, Tà Lang-Giàn Bí đã giải quyết được nạn đói triền miên, 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, nhiều gia đình có xe máy, có phương tiện nghe nhìn và có điện thoại di động; đặc biệt lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được giữ vững và tăng cường. Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Chi bộ Đảng hai thôn (với 26 đảng viên) đã phát huy được vai trò lãnh đạo; những cán bộ cốt cán của thôn, đặc biệt các tổ chức quần chúng tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết: “Tà Lang-Giàn Bí hôm nay không khác gì các thôn khác của xã. Cái gì ở dưới xuôi có thì hai thôn này cũng có. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để hai thôn phát triển hơn nữa trong tương lai”.
Bài và ảnh: Loan Phương