Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các khu dân cư mới phát triển, tạo ra sự giãn dân tích cực, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố không bị áp lực bởi mật độ dân số quá dày trong nội thành. Song, có sống trong các hẻm, kiệt ở trung tâm thành phố mới thấy nhiều khó khăn mà chính người dân sống vài chục năm ở Đà Nẵng cũng chưa thể nào cảm nhận hết.
Hẻm còn là nơi phơi quần áo của các căn nhà thiếu ánh sáng. |
Các kiệt, hẻm ở Đà Nẵng hình thành từ thời những con đường mang tên người Pháp. Khi thành phố phát triển, đường sá rộng mở, hẻm bỗng trở nên chật chội, oằn mình gồng gánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
“Bức tử” hẻm mini
Những ngày đi thị sát trong các con hẻm ở một số đường phố chính như Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, chúng tôi đã phần nào hiểu được giá trị của những người có hộ khẩu nội thành. Trước đây, khi chưa phát triển mạnh như bây giờ, Đà Nẵng vẫn chừng đó diện tích đất, nhưng số hộ gia đình ngày một nhiều theo cấp số nhân, nhân khẩu ngày một đông thêm, hẻm trở thành nơi tá túc của biết bao số phận con người. Hẻm lại càng chật hẹp hơn vì trong nhà chật, người dân lấn thêm ra đường để phơi quần áo, cơi nới diện tích để quạt bếp than, dựng thêm mấy bó củi và là chỗ dựng tạm những chiếc xe máy, xe đạp, ba gác, xích lô…
Để tận mắt chứng kiến nỗi khổ của kiệt hẻm, chúng tôi dùng xe máy đi vào thử kiệt 421 Lê Duẩn vào giờ trưa. Đầu kiệt hơn 2m là một quán cơm bày biện bếp núc, bàn ghế. Len lỏi chậm chạp qua từng đoạn, đột ngột kiệt chuyển thành nhiều hẻm có dốc cao và nhỏ chỉ khoảng 0,5m. Nếu không hỏi đường ắt hẳn chúng tôi đã đi vào hẻm cụt không thể nào quay đầu xe được. Qua mấy ngày mưa lớn vừa qua, lượng rác thải do người dân vứt ra đã trôi thẳng vào nhiều hộ gia đình ở thấp, gây ra sự bức xúc không nhỏ đối với nhiều người. Rồi chuyện mấy hộ kinh doanh cơm bình dân vỉa hè, chợ tự phát đổ nước thải ra đường đi. Một hẻm nhỏ khoảng một mét (gần cửa hàng xe máy Hà Giang) đã bị bao vây bởi hai dãy hàng quán hai bên có đủ cả bánh mì, cà-phê buổi sáng; buổi tối bún mắm, hàng rong. Trong cái hẻm “tam giác” đó, nhà chật, nhiều người còn sử dụng cột điện làm chỗ treo bảng quảng cáo, giới thiệu dịch vụ dạy thêm, dạy kèm, rút hầm cầu nhà vệ sinh…
Kiệt “tí hon” lo đủ thứ
Đi cùng với chúng tôi vào con hẻm trên đường Lê Duẩn, một anh công an khu vực nói như để chuẩn bị tinh thần: “Chị không biết đấy thôi, có những con hẻm ở đây còn nhỏ đến mức 2 người đi phải nghiêng mình mới lọt”. Nhiều người dân sống trong các kiệt, hẻm khi được chúng tôi hỏi đều nói rằng: Lo lắng nhất vẫn là tình trạng mất an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ. Chị Lê Thị Hoa, buôn bán nhỏ trước một kiệt ở đường Hoàng Diệu kể: Cách đây vài ngày, có vụ đánh nhau xảy ra, đám thanh niên bị đuổi tỏa đi trốn. Khi lực lượng công an có mặt thì cũng không biết đường nào mà dò tìm bởi xe cộ buổi tối ra vào đông đúc, ngõ kiệt chồng chéo, đám thanh niên giả vờ là người đi đường rồi chạy thoát.
Mùa hè, những con hẻm nằm lọt thỏm, khuất hẳn sau những dãy nhà cao tầng mặt phố khiến cho không khí trong các khu nhà càng trở nên ngột ngạt, nguy cơ cháy nổ càng dễ xảy ra nếu chẳng may bếp núc, điện đài không cẩn thận. Nhiều người dân ở đây thở dài: Nếu có cháy nhà thì chắc chết thôi, chứ hẻm nhỏ như vậy thì lấy đâu ra đường mà thoát thân, chưa nói đến việc cứu tài sản. Thực tế, xảy ra cháy với địa bàn nhiều kiệt, hẻm ngoằn ngoèo như Phan Thanh, Ông Ích Khiêm, Trưng Nữ Vương, xe chữa cháy chạy tới nơi thì nhà cửa đã bốc khói. Một công an viên phường Tân Chính cho biết: Công an phường thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố tập huấn và phổ biến các biện pháp PCCC cho nhân dân để nâng cao ý thức tự quản của mỗi người dân, hạn chế tối đa các thiệt hại cho cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị trong các kiệt, hẻm để bảo đảm an toàn cho mọi nhà cần đến sự chung sức của bà con, chứ không thể dựa vào lực lượng chức năng.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH - HOÀNG HẰNG