.

Chợ chạy!

.
(ĐNĐT) - “Quy tắc đến! Chạy”. Lập tức, năm, sáu phụ nữ gánh, bưng các rổ cá, mực, cua, ghẹ phóng nhanh ra phía bãi biển. Đó là thực trạng buôn bán trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành thời gian qua chúng tôi ghi nhận được. Nhiều người dân gọi đây là: Chợ chạy!

Mô tả ảnh.
Mỗi ngày đủ hạng khách hàng mua hải sản tại “chợ chạy”
 
Quy tắc đến… thì chạy!

Như thường lệ, hằng ngày bắt đầu từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30, trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành xuất hiện hàng trăm người bán hải sản. Có những đoạn chỉ rải rác một vài người, có đoạn tập trung đến hàng chục người, phụ nữ có, nam giới có. Họ chủ yếu ngồi chồm hổm, luôn trong tư thế sẵn sàng bưng, gánh, xách hàng chạy thật nhanh khi lực lượng quy tắc đô thị (QTĐT) xuất hiện.
 
Trước Trạm kiểm soát biên phòng Xuân Hà (phường Xuân Hà), hơn 10 nhóm phụ nữ ngồi xoay lưng ra biển, trên lề đường để các rổ mực, ghẹ, cua, nghêu, cá mầm, cá nục… liến thoắng mời khách. Khách đến mua cũng đủ thứ hạng, sinh viên, công nhân, thậm chí cả những người đi ô-tô hạng xịn.
 
Đang bán dở cho khách, thấy QTĐT phường đến, chưa kịp thối tiền lại cho khách hàng, hơn 10 phụ nữ nhanh chóng bưng rổ chạy ra phía biển. Chị Tâm (trú phường Thanh Khê Đông), cho biết: “Tui bán ở đường Nguyễn Tất Thành được 8 năm rồi. Mấy năm nay QTĐT làm riết nên bọn tui phải vừa bán vừa canh để bưng hàng chạy cho nhanh nếu không thì mất cả chì lẫn chài. Để cho chắc ăn, thường bọn tui phải có thêm người canh. Khi phát hiện QTĐT đến thì người canh hô to để cho chị em kịp gom đồ xách chạy. Mỗi ngày ít nhất bọn tui cũng chạy từ năm đến bảy lần như vậy”.

Không cần chạy ra biển, nhiều người đem hàng đến vùng giáp ranh giữa địa bàn hai quận để bán. Và khi phát hiện QTĐT, họ chỉ cần mang rổ chạy qua địa bàn quận kia là an toàn. Một ngày trung tuần tháng 8, tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), gần 20 người đang bán hải sản cho khách nhác thấy hai anh QTĐT quận Thanh Khê xuất hiện, họ lẹ làng bưng rổ chạy mấy bước qua địa phận phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và tiếp tục ngồi bán tiếp. Các anh QTĐT quận Thanh Khê phân trần: “Ở bên đó là địa phận của phường Hòa Minh, do quy tắc bên kia giải quyết, mình không có quyền. Những người buôn bán nắm được địa giới nên khi phát hiện QTĐT đến, họ chỉ nhích qua một tý là ngồi bán lại liền. Chúng tôi không làm gì họ được…”.

A2.JPG
Khi thấy QTĐT thị đến, những người buôn bán tại đường Nguyễn Tất Thành lại nháo nhác tháo chạy
 
Ông Nguyễn Văn Thông, Đội QTĐT phường Thanh Khê Đông, cho biết những người bán hải sản tại đây rsẵn sàng chống trả lại lực lượng khi bị xử lý. Cũng có nhiều người bị họ tấn công, dùng nước tạt hoặc xé áo, xé quần ăn vạ. Lực lượng QTĐT phải khá vất vả để dẹp tình trạng buôn bán tại đây. Song khi thấy lực lượng đến thì họ bưng đồ bỏ chạy, chờ cho chúng tôi đi đến đoạn khác, họ lại bày bán như không có chuyện gì xảy ra.

Có chợ nhưng… không muốn đến

Đường Nguyễn Tất Thành được mệnh danh là mặt tiền của thành phố nhìn từ phía bắc. Thế nhưng, thời gian qua tình trạng buôn bán hải sản đã gây ra nhiều bất cập như gây mùi hôi, mất trật tự mỹ quan đô thị. Để giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán theo kiểu “chợ chạy” này, UBND quận Thanh Khê đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng để xây dựng chợ hải sản bên bờ sông Phú Lộc (phường Thanh Khê Đông) để cho các hộ dân vào kinh doanh. Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi, không mấy ai mặn mà vào chợ.
 
Ông Lê Phi Hùng, Phó Ban quản lý Chợ hải sản, cho biết: Chợ có 78 lô và đã được mọi người đăng ký hết. Song đi vào hoạt động từ tháng 5-2011 đến nay cũng chỉ có trên 10 người kinh doanh, buôn bán cố định. Số còn lại mặc dù đã được chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ vận động nhưng họ không vào bán.

A3.JPG
Chợ hải sản được đầu tư 1 tỷ đồng nhưng lại vắng người bán
 
Nguyên nhân những người này không muốn vào chợ bán bởi vì họ không muốn bị ràng buộc trong một khuôn khổ như bán phải bán đúng giá, cân đúng trọng lượng… Nhiều người buôn bán không ngần ngại bộc bạch với chúng tôi rằng, bán ngoài đường Nguyễn Tất Thành, dù bị lực lượng chức năng rượt đuổi song do khách vãng lai nhiều nên dễ dàng bán giá trên trời, cân gian để kiếm lời… Và thực tế này người mua cũng đã biết, nhưng vì muốn nhanh, gọn nên không ai phàn nàn, vô hình chung tạo điều kiện để đường Nguyễn Tất Thành càng hình thành nên nhiều người buôn bán theo kiểu này.

Ông Lê Phi Hùng cho biết thêm, với số hộ kinh doanh trong chợ hải sản quá ít nên không đủ kinh phí để chi trả tiền điện, nước, lệ phí môi trường. Ông đề nghị lực lượng QTĐT các cấp cần phải phối hợp, giải quyết một cách triệt để tình trạng buôn bán ở đường Nguyễn Tất Thành để đưa họ vào chợ hải sản kinh doanh, tránh tình trạng lãng phí, đồng thời trả lại môi trương trong sạch cho đường Nguyễn Tất Thành, một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
;
.
.
.
.
.