.

Nỗi niềm mỏ đá - Bài 1: Lầm lũi với đá

.

Hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra mỗi năm của các sở, ngành, chính quyền địa phương, thế nhưng vấn đề an toàn lao động, bảo đảm môi trường tại các mỏ đá vẫn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Mô tả ảnh.
Làm việc dưới đất, đá treo trên đầu.

Mấy cơn mưa đầu mùa trút xuống đã làm những cái hố khai thác đá sâu vài chục mét so với mặt đường ngập như một cái ao. Bên vách núi đá dựng đứng ngất ngưởng là hàng chục con người cùng với những xe múc, máy khoan, hì hục công việc. Họ đã chọn nghề nguy hiểm này để mưu sinh…

6 giờ 20 một ngày đầu tháng 9, nhóm công nhân đầu tiên tiến vào bãi đá sau những ngụm cà-phê vội vã, phút thư giãn hiếm hoi trước khi bắt đầu một ngày lao động vất vả. Để xua đi giây phút uể oải, mỏi mệt, đau nhức nơi xương khớp của những ngày lao động bên mỏm núi, mấy công nhân mỏ Cẩm Khê (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) vừa đi vừa vặn người, tiếng bẻ khớp tay nghe rắc rắc. Một lát sau, cả công trường vào giờ làm, xa xa đã nghe tiếng máy xúc, máy nghiền, máy xay. Các xe ben chở đá chạy ầm vang vọng cả một vùng đồi núi. Cách đó không xa, những cái hố sâu hoắm hàng chục mét, nham nhở vết đào xới đục khoét, vết nổ mìn còn nguyên. Có những mảng đá còn “treo” hờ trên vách đá cheo leo, chực chờ rơi xuống bất kỳ lúc nào. Bên dưới là những công nhân cần mẫn, lao lực với những khối đá. Thấy chúng tôi lo lắng vì không có phương tiện bảo hộ, một anh thợ nhoẻn miệng cười nói thách: “Nếu sợ thì nên tránh xa khỏi đây, lỡ có chuyện gì thì ráng chịu đó nghe”.

Đà Nẵng hiện có 37 mỏ đá được cấp phép khai thác. Trong đó có 27 mỏ nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang, 7 mỏ ở quận Liên Chiểu và số còn lại ở quận Cẩm Lệ với tổng diện tích được cấp phép khai thác hơn 226 ha, trữ lượng khai thác các mỏ vào khoảng 41 triệu m3.
(Nguồn: Phòng Quản lý khoáng sản)

Tại mỏ Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu), hàng chục công nhân cặm cụi làm, mặc cho bụi đá bao phủ trắng xóa không thấy mặt nhau, tiếng ồn máy móc phát ra bừng cả tai. Một thợ khoan tạm dừng chiếc máy khoan đến xô nước đá, phủi phủi tay vào đùi, cởi chiếc khẩu trang nhỏ tí để lộ hai lỗ mũi bụi đá bám đầy trắng bệch. Lấy hơi, anh cố thở thật mạnh, tay nắm lấy xô nước dính đầy bụi đá, uống vội ly nước rồi quay sang chúng tôi nói: “Tính xin vào đây làm à? Vất vả lắm, không đủ sức đâu”. Bắt chuyện mới biết, anh quê ở Thanh Hóa vào làm ở đây được hơn 2 năm. Mỗi ngày công được nhận khoảng 180.000 ngàn đồng, tháng tầm 5-6 triệu đồng, những ngày mưa thì nghỉ không tính lương. Vào đây làm, thuê nhà trọ, chi phí rồi mỗi tháng anh cũng tiết kiệm ít tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Nhiều lần muốn bỏ việc về quê, nhưng ở quê bám mấy sào ruộng không đủ ăn, đành chấp nhận nguy hiểm. Anh quẹt tay ngang mũi, đeo khẩu trang vào tiếp tục lê chiếc máy khoan nặng nề, lưỡi khoan dài cả mét bám cứng vào những tảng đá, bụi tung lên mù mịt dính dày lưng áo ướt đẫm mồ hôi.

Anh T.V.H, đang làm việc tại mỏ Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) kể: “Nhiều lần rồi, mấy anh em đang khoan thì các khối đá từ trên vách nứt ra rơi xuống cách chỗ tui đứng vài bước chân, khi ấy mọi người gọi lớn, nhưng tiếng máy khoan đùng đùng nên không nghe. Thoáng giây phút hoàn hồn, tui tưởng mình đã không giữ tròn tính mạng. Sợ đá, nhưng riết rồi cũng quen với đá, với bụi, với mọi thứ xui xẻo có thể xảy ra. Còn dập tay, dập chân là chuyện thường ngày nếu không cẩn trọng”. Tiếp cận với thợ đá tên T. đang làm tại mỏ Đà Sơn, T. cho biết đã vào đây làm gần 2 năm. Nói rồi T. vừa mang vội đôi bao tay mỏng tang rách bươm, để lộ đầu những ngón tay chai sần, vàng ố. Theo quan sát của chúng tôi, mỏ đá có hàng chục công nhân, nhưng hầu hết đều ăn mặc sơ sài, không có trang phục bảo hộ đúng quy định. Đáng chú ý, trong môi trường bụi bặm như vậy, nhiều người vẫn dép lê, không mũ mão, không khẩu trang và thỉnh thoảng cứ phì phèo điếu thuốc lá.

Số đông lao động mỏ đá ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) từ phía Bắc vào, chủ yếu độ tuổi từ 18 đến 40, mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh khác. Có người kiên trì công việc được vài năm, còn hầu hết là làm vài tháng rồi nghỉ chuyển sang công việc khác. “Sau trận lụt kinh hoàng khiến nhà cửa, hoa màu bị nước lũ cuốn trôi sạch, chán cảnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, tôi vào Đà Nẵng làm ăn cùng với người bạn”, Tần (quê Hà Tĩnh) cho biết. Nhờ người quen giới thiệu đã xin vào làm ở mỏ đá, nhưng chỉ trụ được chưa đến 3 tháng phải thôi làm vì bụi đá gây ho liên tục, khiến cơ thể anh gầy nhom. Một thời gian, Tần chuyển sang học nghề sửa xe máy với hy vọng có việc làm nhàn hạ hơn.

Khi được hỏi về chế độ bảo hiểm, hầu hết công nhân ở các mỏ đá đều không nắm rõ, chỉ nói hình như công ty đã đóng bảo hiểm thân thể rồi, cứ thế mà làm. Kể cũng lạ, không biết có phải tất cả những thợ làm các mỏ đá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được các chủ mỏ buộc “giữ kín tiếng” với người lạ hay không mà bất cứ người nào chúng tôi tiếp xúc cũng giấu tên của mình. Cứ mỗi lần chúng tôi hỏi thăm vấn đề liên quan đến công việc, các thợ đều lảng tránh hoặc chỉ “lên chủ hỏi thì rõ hơn”. Có thể họ ngại điều gì đó. Thực tế, tại những mỏ đá mà chúng tôi đến, các lớp tầng đá trên và dưới đều có thợ hoạt động hết sức nguy hiểm. 

Trong buổi làm việc với các cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường để phục vụ cho nội dung bài báo mà chúng tôi muốn đề cập, hầu hết mọi người đều tỏ ra ái ngại khi được hỏi tới những vụ việc thương tâm ở các mỏ đá. Lật lại những số liệu thống kê lưu giữ tại Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố thì gần như năm nào tại các mỏ đá cũng đều xảy ra những sự cố chết người. Năm 2009 là vụ sập mỏ đá Phước Hậu khiến 3 công nhân tử vong. Gần đây nhất (ngày 13-5-2011), một vụ sập đá tại mỏ Hố Cái (xã Hòa Sơn, Hòa Vang) khiến một công nhân mất mạng. Không kể những vụ việc tai nạn khác khiến công nhân mất khả năng làm việc nhưng có sự thỏa thuận giữa lao động và chủ sử dụng lao động nên không công bố. Rủi ro không tránh khỏi, những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại một số mỏ đá trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua như vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bài và ảnh: X.DUYÊN - XUÂN TIẾN

;
.
.
.
.
.