Phóng sự - Ký sự
Bài 2: "Thần y" xuống chợ
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chỉ cần khoảng chục loại thuốc được trải trên tấm nilon hay tấm mẹt ở chợ, các thầy lang mặc nhiên hành nghề.
“Thuốc” do “thầy” Khoa bán tại chợ Nại Hiên Đông chỉ có giá vài chục nghìn đồng/bịch. |
Hễ đi chợ… là mắc bệnh
Dạo quanh một vài chợ nhỏ ở quận Sơn Trà, không khó để tìm bóng dáng của các thầy lang… lang thang bán thuốc đông y. Kề hàng rau, hàng cá, “tiệm thuốc” đông y của các thầy được bày bán chẳng khác gì con cá, lá rau ngoài chợ. Và bất kỳ ai đi chợ, hễ cứ ghé “tiệm thuốc” này đều được thầy lang chẩn đoán là mắc bệnh.
Tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), vừa thấy chúng tôi, một đôi vợ chồng “thầy lang” khoảng trên dưới 50 tuổi, da ngăm đen đang hành nghề chữa bệnh vẫy tay ra hiệu lại gần. Trong trang phục dân tộc miền núi, nói tiếng lơ lớ dân tộc, hai vợ chồng đon đả mời chúng tôi ngồi rồi lập tức bắt mạch, “chẩn” bệnh. Người vợ xem mạch, còn chồng bốc thuốc. Mẹt thuốc của họ có đủ loại thuốc bằng rễ, cây, củ, quả…, được quảng cáo với các công hiệu như: chữa đau khớp, tiêu chảy, bệnh ngoài da, bổ thận tráng dương… “chữa bệnh gì cũng khỏi”.
Khi tôi giả vờ kể về bệnh tình của mình, người phụ nữ nắm lấy tay tôi bắt mạch. Sau vài giây suy nghĩ, người này đăm chiêu, lo lắng: “Con bị bệnh huyết trắng, người xanh xao, hay bị đau lưng, chóng mặt, nếu không chữa trị kịp thời, sau này dễ mắc bệnh phụ khoa”. Thấy tôi có vẻ sợ hãi, bà vội trấn an: “Con đừng lo, cô sẽ giúp cho con khỏi bệnh. Cô bốc cho con 6 thang thuốc về uống, bảo đảm khỏi liền. Có 50.000 đồng/thang chứ mấy. Rẻ rề”.
Và để tạo lòng tin cho tôi, người phụ nữ còn giới thiệu mình là Đào Thị Khí, hội viên Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, có giấy phép hành nghề hẳn hoi và nhiều giấy tờ chứng minh khác. Thực chất tờ giấy người này đưa cho chúng tôi xem chỉ là tấm bằng photo không rõ nguồn gốc, giấy đã ố vàng.
Một phụ nữ nghe lời “đường mật” của họ cũng ghé vào khám. Và cũng giống như lần trước, căn bệnh được chẩn đoán là mắc bệnh huyết trắng, cần uống thuốc ngay. Chúng tôi để ý hầu như những ai đi chợ ghé “tiệm thuốc” đông y này cũng đều chẩn đoán là mắc bệnh trong khi người mua thuốc không biết là họ thực sự có bệnh hay không. Những loại thuốc với những viên màu đỏ đen đủ loại hoàn toàn không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.
Mỗi ngày… một chợ
Ngày hôm sau, tôi điện thoại cho bà Khí để xin lấy thuốc nhưng bà này nói hiện đang bán ở chợ Cẩm Lệ và hẹn sẽ đem thuốc tới tận nơi. Trao đổi qua điện thoại với Lương y Lê Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, ông Vân xác nhận bà Đào Thị Khí là hội viên Hội Đông y ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, ông Vân cũng cho biết, bà Khí chưa hề có chứng chỉ hành nghề.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Quản lý hành nghề tư nhân thuộc Sở Y tế nói, nếu một cá nhân muốn hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn Đà Nẵng thì phải có chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp và được Sở Y tế địa phương đồng ý bằng văn bản sau khi đã kiểm tra xem họ có đủ thuốc men, phương tiện bảo đảm hay không. Trong văn bản đó có ghi rõ về thời gian, địa điểm, phạm vi hoạt động. “Việc hành nghề của các cá nhân như trên là bất hợp pháp và không đáng tin cậy”, ông Sơn khẳng định
Trong vai người bán trái cây tại chợ Nại Hiên Đông, Đầu mối, Đống Đa, sau nhiều ngày lân la, chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về phương thức hành nghề của các thầy thuốc này. Hầu hết các thầy lang này đều từ các tỉnh, thành phố khác đến và thường không có giấy phép hành nghề. Nhiều người bán hàng tại các chợ cho biết, các thầy lang bán thuốc đông y thường không bán cố định một chợ mà cứ vài ngày lại thay đổi một chợ. Và để khách hàng tin các bài thuốc của mình, họ luôn “quảng cáo” là gia đình nhiều đời làm thuốc và có nhiều bài thuốc bí truyền có thể chữa được bách bệnh, thậm chí những bệnh mà tây y cũng bó tay (?!). Nguyên nhân người dân lựa chọn mua thuốc ngoài... chợ một phần do người này mách người kia. Họ chỉ nghĩ đơn giản là có bệnh, nghe người này mách dùng thuốc nào khỏi thì đi mua. Chị L.T.N. (34 tuổi, ở quận Thanh Khê) nghe người quen mách nên đi mua một loại thuốc bổ đông y làm đẹp da ở chợ gần nhà. Đẹp đâu không thấy, chỉ thấy một thời gian sau chị bị nổi mẩn ngứa khắp người, da dẻ xù xì hơn. “Tôi bị bệnh đau đầu kinh niên, uống thuốc tây miết không hết. Đi chợ thấy mấy người ni giống dân tộc mà tôi nghe đồn dân tộc chữa bệnh hay lắm”, chị N. thổ lộ.
Khi đi khám, chị N. được bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc do uống phải thuốc “dỏm”, nếu uống lâu dài dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan. “May mà mình dừng lại ngay chứ không thì hậu quả khôn lường. Từ giờ không dám mua thuốc ở các chợ nữa”, chị N. nói.
K.N - H.H
Các “thần y” mặc nhiên bốc thuốc hành nghề đông y trong khi chưa đủ kinh nghiệm và bằng cấp chuyên môn gây nên hệ quả xấu. Vậy các cơ quan chức năng, các nhà quản lý y tế ở đâu?
Bài 3: Quản lý thế nào?