Phóng sự - Ký sự

Luôn bị hành!

17:03, 22/06/2013 (GMT+7)

Từ ngày tôi viết được một vài bài báo cho ra hồn, đến nay, không biết đã trải qua bao nhiêu lần “Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Ý tôi muốn nói, là bao nhiêu lần viết được một bài báo về ngày kỷ niệm của những người làm báo... Ừ, thì cố mà viết cho không bị ở không, cho cái đầu không ngừng làm việc.

Có bài đăng lên báo cũng vui, lại có nhuận bút. Tiền nhuận bút cũng ký nhận, nhưng với tôi, không hề giống tiền hưu. Tiền hưu vô cùng ổn định. Mỗi đầu tháng đi nhận tiền hưu không xuất hiện cảm xúc mới. Tiền nhuận bút mỗi tờ báo mỗi khác, mỗi bài báo mỗi khác. Chưa chắc bài nào nhuận bút cao hơn thì đầu tư suy nghĩ nhiều hơn.

Kỷ niệm của mình, cách nay mười lăm năm, hai mươi lăm năm, ba mươi lăm năm… cái thời viết bằng bút máy, bút bi, viết trên tờ báo địa phương, với loại giấy vàng mã, to hơn tờ giấy vở học trò, mỗi tháng ra một số, với lượng phát hành trên dưới một ngàn tờ, liệu có ích gì cho hôm nay, cho người làm báo trẻ tuổi, viết trên vi tính, chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số, trên báo giấy ra hằng ngày, trên báo điện tử ra hằng giờ, luôn “cạnh tranh”, theo phong cách hiện thời, theo thời cuộc biến động khôn lường?

Và, kỷ niệm, mỗi một người chỉ có chừng đó, không thể nhiều hơn, chỉ có thể ít dần, quên dần, nhạt dần. Không thể sáng tác ra kỷ niệm. Tức là, không tài nào viết thêm được gì hay ho. Do vậy, được “mời” viết một bài, thì rất lo. Từ chối cũng dở! Làm thinh, thì y như là người bị “hành”. Thời còn làm một phóng viên, bị Tổng biên tập hành, là chuyện thường, là đương nhiên, ráng chịu. Về hưu rồi, thích thì viết, không thích thì dạo ra hè phố xem mấy cụ về vườn chơi cờ tướng, năm, sáu cái đầu trắng phơ cụm vào một bàn cờ, chỉ trỏ, cãi cọ, nóng lỗ tai, vui cái đầu đang bị lão hóa đe dọa.

Tôi nhận được một tin nhắn của một biên tập viên... “Anh viết kỷ niệm chi vui vui cũng được”, “Chuyện bị tổng biên tập… chửi được không?”... Thế là, tôi im lặng “moi” từ trong ký ức ra kỷ niệm.

... Một lần, đi công tác vùng sâu vô cùng ác liệt về, không bị phục kích, không bị bom, không bị pháo, về đến nhà là mừng, là biết mình còn sống thêm một ngày. Vừa cặm cụi làm việc nhà, việc nhà bấy giờ là quơ củi, hái rau rừng, nấu cơm… và tranh thủ viết cái gì mình nghĩ ra từ những tư liệu ghi được trong sổ tay (không viết liền tay như phóng viên ngày nay). Chuyện này với một phóng viên mới vào nghề, lại không được học nghề như tôi thật vất vả. Viết được một bài, đọc đi, đọc lại thấy tạm được, tôi nói tạm được vì biết mình là loại tập sự.

Chiều hôm ấy, thấy Thủ trưởng Báo Giải phóng Quảng Đà (bấy giờ không có chức danh Tổng biên tập như sau này), đang ngồi trên võng để hai chân xuống đất đọc cái gì đó, chắc không phải gấp lắm, tôi rón rén bước lại đưa cái bài báo, nói Thủ trưởng đọc giúp em, có gì góp ý cho em. Đưa bài báo rồi chào đi ngay. Chừng một tiếng đồng hồ sau, là thời gian đủ để chặt được một đội củi khô từ ngoài rừng về bếp. Bước lại, vẫn thấy Thủ trưởng còn ngồi đu đưa trên cái võng. Tôi rón rén bước lại bên chiếc võng hồi hộp nghe những lời góp ý, tôi dùng từ góp ý, không dùng từ dạy dỗ, vì hy vọng, sau đó, được tu chỉnh theo lời góp ý thì bài sẽ được đăng. Bấy giờ ước có một bài đăng lên Báo của Tỉnh Đảng bộ. Thủ trưởng, có lẽ không nhìn tôi, vì mắt anh vẫn nhìn xấp tài liệu gì trên tay, mà đưa bài báo lại cho tôi, lạnh lùng: Viết chi mà ngu như…

Ở Xứ Quảng mình, chê ai thì thường mở miệng: ngu như bò, nhác (lười) như heo… Câu chửi loại này nghe quen, hoặc trong một tình huống nào đó vẫn thấy hay hay, thấy vui. Nhưng, trong trường hợp này, tôi đưa hai tay run run cầm cái bài-tác phẩm đầu tay của mình, viết bằng bút bi trên hai tờ giấy vở học trò, quay ra, vừa đi vừa chạy ra khu rừng phía sau hang đá cơ quan, nước mắt ứa ra, chảy xuống má, vài giọt chảy vào miệng mặn mặn… Tôi để vậy không lấy ống tay áo đầy bụi bặm núi rừng chùi những giọt nước mắt của tôi. Bữa cơm chiều đó ăn không thấy ngon như mọi hôm, dù bụng luôn thấy đói, miệng luôn thèm ăn. Đêm đó, nằm cong queo trên chiếc võng vải dù màu cỏ úa, treo trong góc hang đá lạnh, thật lâu mới thiếp đi, mỗi lần nhớ đến “cảnh” diễn ra trước miệng cái hang đá trong sườn núi Hòn Tàu hùng vĩ, nơi cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà đang trú ngụ, thì nước mắt lại ứa ra.

Và bây giờ đây, hôm nay, sau gần 40 năm, ngồi thuật lại cảnh diễn ra ngày ấy, nước mắt tôi lại trào ra. Tất nhiên, cảm xúc thì hoàn toàn khác. Hồi ấy, những giọt nước mắt đầy tủi tủi, ấm ức, tự ái, xấu hổ, và đau nhói. Đau nhói vì mơ hồ về một tương lai mịt mờ với danh hiệu “phóng viên nhà báo”, một danh hiệu khi gia nhập vào Làng báo, mình luôn hãnh diện mang theo trên đường công tác, một danh hiệu khi xuống địa phương, gặp cán bộ, du kích liên hệ công tác thì luôn được đón nhận niềm nở, tin cậy, dù ta còn quá trẻ, dù ta chưa viết được một bài báo cho ra hồn. Luôn nhận ra danh hiệu là một gánh nặng. Một ít nước mắt hôm nay, ít thôi, chỉ rớm rớm, rưng rưng trong khóe mắt, nhưng là nước mắt của cảm xúc chân thành về ngày quá khứ, cảm xúc về lòng biết ơn cuộc sống, biết ơn bạn bè, đồng nghiệp, biết ơn những lời chê trách dẫu có nặng nề, biết ơn những người dân chân lấm, tay bùn, ngày đêm đội bom, đội pháo-những người luôn sẵn sàng thổ lộ hàng bồ (kho) “tâm sự-thông tin-tư liệu sống”, để ta có thể hiểu và thấm thía nỗi đau không gì bù đắp của chiến tranh, cảm ơn người Thủ trưởng khó tính, thương mình, và cũng không giấu chút coi thường cái khả năng làm báo lúc sơ khai non nớt, dại khờ của mình.

Hôm nay, trong dịp kỷ niệm lần thứ 88 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nếu không được ai nhắc, ai “hành”, chắc tôi không có những dòng này...

HỒ DUY LỆ

.