Phóng sự - Ký sự

Chuyện một người tù ở Hoàng Sa

14:19, 30/08/2013 (GMT+7)

Trong khi khắp nơi tưng bừng các hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9,  cụ Trần Thanh Kim (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) lại nao nao nhớ đến những ngày bị Pháp bắt giam, lao động ở Hoàng Sa, cách đây đã hơn 60 năm.

Cụ Trần Thanh Kim.
Cụ Trần Thanh Kim.

Trong Cách mạng Tháng Tám, cụ Kim tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng, sau đó gia nhập Vệ quốc đoàn, trở thành Tiểu đội trưởng của Trung đoàn 67, còn gọi là Trung đoàn Tây Sơn, cùng đồng đội lập nhiều chiến công trong những ngày đầu ngăn chặn quân Pháp xâm lược.

Tháng 5-1947, cụ trở về hoạt động ở địa phương, công tác tại Khu đội Khu Tây Đà Nẵng. Ngày 4-1-1949, do bị chỉ điểm, cụ bị giặc Pháp bắt ở thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Chúng đưa cụ về nhốt ở lao Con Gà (nay là khu vực số 84 Hùng Vương).

Đầu tháng 8-1950, giặc Pháp chuyển cụ và 9 tù nhân khác (mà bây giờ cụ vẫn còn nhớ tên như Nguyễn Kim Châu, Dư Phước Nên, Phạm Công Phụng, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Ngọc Ánh...) ra đảo Hoàng Sa. Tàu chạy một ngày một đêm thì đến nơi.

Cụ Kim kể: “Hồi ấy, Pháp gọi Hoàng Sa là đảo Ba-ra-selce. Chúng giam anh em tôi trên một đảo cát rộng khoảng 1km2. Hơn tuần lễ đầu tiên, bọn cai ngục đối xử với tù nhân rất hà khắc. 10 anh em bị nhốt trong hầm tối suốt ngày đêm, mỗi bữa chỉ có lưng bát cơm với muối sống, nước uống cũng thiếu, nhiều người mệt lả, ngất xỉu. Sau đó, với âm mưu vận động anh em tù “bỏ hàng ngũ Việt Minh về phục vụ chính phủ bảo hộ”, chúng đưa anh em tù chúng tôi lên khỏi hầm và áp dụng chế độ cai quản, lao động, ăn uống, sinh hoạt dễ thở hơn. Ngày ngày, chúng đưa tù nhân đi khuân vác đá, xây dựng cầu cảng, chặt dọn các loại san hô, khơi thông dòng chảy từ chân đảo ra khơi khoảng vài trăm mét, để ca-nô chở hàng từ tàu vào đảo.

Bọn Pháp ở đây khoảng hơn 20 tên thường xuyên đi tuần tra quanh đảo. Chúng có ống nhòm để quan sát xung quanh nhằm kịp thời phát hiện và báo cáo về đất liền các dấu hiệu xâm phạm chủ quyền của “mẫu quốc Đại Pháp”. 10 tù nhân chúng tôi được chúng chia thành 3 tổ, mỗi ngày 1 tổ cùng đi tuần tra với chúng. Tôi còn nhớ rõ, trên đường tuần tra có những con ba ba to như cái nia từ dưới biển bò lên nằm trên bãi cát. Chúng tôi lật ngửa nó lên thì nó nằm tại chỗ, khi nào cần ăn, đến xẻ thịt và chọn những chỗ ngon đem về sử dụng.

Cả đảo chỉ có 4 ngôi nhà: nhà thiên văn (còn gọi là trạm thu phát tín hiệu) có khoảng 4-5 người làm việc; nhà kho có mái đúc để chứa vũ khí và các loại quân cụ của giặc Pháp; 2 nhà ở lợp tôn, một của lính Pháp, một của tù nhân. Bọn Pháp chỉ cấp gạo, còn thức ăn do anh em chúng tôi tự câu cá, bắt ốc, một số loại hải sản khác và tự nấu ăn.

Ở Hoàng Sa có loài ốc nhỏ, vỏ óng ánh nhiều màu sắc, rất đẹp, trông tựa như mặt chiếc nhẫn, nên chúng tôi thường gọi là ốc mặt nhẫn. Ai cũng nhặt, phơi khô, cất dồn, để khi vào đất liền làm quà tặng bạn bè, người thân. Đảo chúng tôi ở phần lớn là cát trắng, chỉ có một vài lùm cây lúp xúp cao ngang đầu người, khi đi tuần tra gặp trời nắng nóng, cả lính Pháp và chúng tôi cùng vào đó ngồi nghỉ.

Tôi biết cắt tóc từ thuở thiếu niên. Ở Hoàng Sa, tôi thường cắt tóc cho anh em tù, anh em trạm khí tượng và cả binh lính Pháp. Tôi còn nhớ rõ một người Pháp tên là Phot-ti thường khen tôi cắt tóc đẹp, còn tên Át-lot-da-ro (người Ý) cứ nài nỉ nhờ tôi bày cách cắt tóc để làm kế mưu sinh sau khi giải ngũ. Những khi cắt tóc cho Phot-ti, tôi thường nghe anh ta nói rằng: Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đảo Ba-ra-selce của Việt Nam tức là của Pháp nên quân đội Pháp phải lo bảo vệ đảo Ba-ra-selce, bảo vệ đất thuộc địa của Pháp.

Đến tháng 11-1950, giặc Pháp đưa 10 anh em chúng tôi trở về Đà Nẵng, tiếp tục giam tại lao Con Gà, sau đó chuyển vào lao Hội An. Một thời gian sau, tôi được trả tự do. Ra tù, tôi bắt được liên lạc với tổ chức và được bố trí hoạt động hợp pháp trong lòng địch...”.

Hiện nay, CCB Trần Thanh Kim đã 93 tuổi. Cụ thường xuyên đau ốm, đi lại hết sức khó khăn. Vợ cụ, bà Trần Thị Kim Tuyến, cũng là hội viên tù yêu nước. Hai cụ thường cùng nhau ôn lại những năm tháng thanh xuân hăng say hoạt động kháng chiến và chiến đấu trong tù ngục.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.