Phóng sự - Ký sự

Tiệm cầm đồ - nơi "tiếp tay" cho tội phạm

Kỳ cuối: Cần chấn chỉnh hoạt động dịch vụ cầm đồ

13:43, 16/08/2013 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tình trạng các dịch vụ cầm đồ hoạt động dễ dãi ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, cần có chế tài đủ mạnh kết hợp với việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh hoạt động này.

Khách hàng đang cầm điện thoại di động tại một tiệm cầm đồ đường Hoàng Văn Thái.
Khách hàng đang cầm điện thoại di động tại một tiệm cầm đồ đường Hoàng Văn Thái.

Cần chế tài đủ mạnh

Thông tư 33 ngày 5-10-2010 của Bộ Công an quy định, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ sở hữu kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Còn người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở kinh doanh không thực hiện được như vậy. Vì hám lợi nên nhiều chủ cơ sở vẫn bất chấp pháp luật, sẵn sàng cầm cố tài sản, dù biết đó là đồ phạm tội mà có. Nguyên nhân chủ yếu do chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Theo lãnh đạo Phòng PC64, tại Nghị định số 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu hoặc đăng ký nhưng không có các giấy tờ đó; cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định cũng chỉ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác cũng chỉ phạt đến 15 triệu đồng.

Trong khi đó, việc xử lý hình sự đối với những trường hợp này rất khó. Lý giải vấn đề này, một cán bộ Cảnh sát hình sự cho rằng, không đối tượng phạm tội nào đem tài sản đến cầm cố mà bảo đây là tài sản do trộm được. Và khi xác minh tài sản đó là của kẻ phạm tội cầm cố thì chủ tài sản cũng nói không biết, nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác minh tài sản phạm tội mà có rất mất thời gian.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Đại úy Đỗ Thị Thu Nga, Đội trưởng Đội đặc doanh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64 - Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có 253 cơ sở dịch vụ cầm đồ đang hoạt động, hầu hết là các dịch vụ cầm đồ nhỏ lẻ, chỉ có 3 cơ sở thuộc loại hình công ty, tập trung chủ yếu tại các địa bàn quận Thanh Khê: 75 cơ sở, Sơn Trà: 65 cơ sở, Liên Chiểu: 46 cơ sở và Hải Châu: 36 cơ sở. Thường thì việc quản lý được phân cấp: ở cấp thành phố sẽ quản lý các công ty, còn lại các tiệm nhỏ do các quận, huyện quản lý.

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, cứ định kỳ, Công an các phường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an quận và các lực lượng chức năng khác kiểm tra giấy phép kinh doanh, sổ sách của các cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, các vi phạm hành chính chủ yếu là tiêu thụ tài sản “không chính chủ” hay vi phạm về kho bãi. Trong khi đó, lực lượng ở quận, huyện, phường, xã còn quá mỏng, việc kiểm tra không thường xuyên nên những cơ sở này kinh doanh không đúng chức năng cũng khó bị phát hiện.

Đại úy Ngô Thị Thu Nga cho biết thêm, vừa qua, để chấn chỉnh hoạt động dịch vụ cầm đồ, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng PC64 lập kế hoạch kiểm tra, qua đó phát hiện, xử lý 35 trường hợp, xử phạt gần 60 triệu đồng, thu hồi giấy phép một cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh. Các lỗi vi phạm chủ yếu không có hợp đồng cầm cố tài sản, không báo cáo định kỳ, hàng “không chính chủ” hoặc không có giấy ủy quyền cầm cố, không đủ điều kiện về an ninh trật tự, một cơ sở tại huyện Hòa Vang không đăng ký giấy phép kinh doanh...

Vì vậy, để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của dịch vụ cầm đồ, thời gian tới, cơ quan Công an cần đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này liên tục, triệt để và có chiều sâu; đồng thời có chế tài xử phạt hợp lý để ổn định hoạt động cầm đồ theo hướng minh bạch hơn.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.