Thời sự và bàn luận

Tản mạn với Vũ điệu Tiên Sa

13:52, 30/03/2008 (GMT+7)

Ngày 29-3 là một ngày đặc biệt của người Đà Nẵng. Ngày ấy, cách đây 33 năm, ngọn cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh Sơn Trà, chấm dứt 117 năm nô lệ, tủi nhục đọa đày. Người Đà Nẵng từ đây làm chủ thành phố, sống cuộc sống người dân một nước độc lập tự do.

Thời gian càng trôi đi, người Đà Nẵng càng thấy ngày 29-3 có điều gì đó thiêng liêng, hệ trọng. Thành phố thân yêu đổi thay từng ngày, không có phép màu của cây đũa thần, chỉ có sự nỗ lực phi thường đầy sáng tạo của khối đại đoàn kết nhân dân giàu lòng yêu nước và cách mạng.

Và thế là ngày 29-3 đã trở thành ngày hội của mọi người, của mỗi nhà, của Đà Nẵng. Ai cũng muốn trong ngày đó, mình, gia đình mình và cả thành phố có nhiều niềm vui, nhiều cuộc vui. Sự cộng cảm trong các cuộc vui chung làm nên sự giao lưu gắn bó của mọi người với cộng đồng có chung số phận: Đổi đời từ ngày 29-3 năm ấy.

Làm sao cho mọi người, mọi nhà và cả thành phố thực sự vui như hội trong ngày 29-3 từ lâu đã thành một tập trung lo toan của lãnh đạo thành phố. Những cuộc đua thuyền, môn thể thao thể hiện truyền thống thượng võ của cư dân vùng duyên hải nhiều sông nước thu hút hàng vạn người. Những tụ điểm văn nghệ, vang lên những ca khúc hào hùng làm sống dậy một thời không thể nào quên của bao người. Những cuộc gặp mặt cảm động của các chiến hữu cùng một đơn vị, các bạn tù từng dựa vào nhau giữa địa ngục trần gian, những trại và chuyến đi về nguồn của những bạn trẻ sinh sau ngày 29-3-1975.

Tất cả đều là chưa đủ, chưa đúng cấp độ một ngày hội lớn của một thành phố lớn, khi mọi mặt cuộc sống của nhân dân thành phố đã được nâng lên và công nghệ giải trí đang phát triển mạnh mẽ.

Năm nay, Đà Nẵng có một sự kiện mới trong ngày kỷ niệm 29-3 lịch sử. Đó là cuộc thi pháo hoa quốc tế có một cái tên rất đẹp “Vũ điệu Tiên Sa”.

Pháo hoa đã xuất hiện từ lâu đời và thường có ở các ngày hội lớn của một vùng, một cộng đồng của các dân tộc phương Đông và phương Tây, tân tiến và cả chậm phát triển và dành cho tất cả mọi người.

Trong các đêm pháo hoa, hoa lưng trời và hoa trong ánh mắt, chỉ cần bạn có mặt ở dọc con đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo (mà những con đường lớn và đẹp này có thể ôm trọn cả một phần dân Đà Nẵng) ngước nhìn lên trời có thể thưởng thức trọn vẹn bữa tiệc ánh sáng muôn màu huyền ảo. Nếu muốn có ưu thế hơn xin mời lên sân thượng những nhà cao tầng ở khu vực ven sông.

Chắc chắn rằng với công nghệ mới, các bạn Canada, Malaysia, Hồng Kông… sẽ cho pháo nở hoa ở một tầm cao hơn, và màu sắc hình ảnh sẽ biến hóa đa dạng, đặc sắc hơn. Âm nhạc trình tấu và truyền phát có tính chuyên nghiệp hơn sẽ nâng cao cảm thụ thẩm mỹ của người xem.

Chỉ hình dung những gương mặt hân hoan của hàng vạn người dân Đà Nẵng, ông và cháu, các đôi lứa… vỡ òa niềm vui đã thấy ngày 29-3 năm nay đích thực là ngày hội lớn.

Đem lại niềm vui cho người đã là một việc nên làm, đem lại niềm vui cho cả trăm họ để ngày kỷ niệm lắng đọng trong họ bao ấn tượng tốt đẹp là việc rất đáng quý.

Những người chủ trương Vũ điệu Tiên Sa còn có một mục đích rất kinh tế nữa. Đây sẽ là một sự quảng bá cho du lịch Đà Nẵng. Rồi đây sự kiện này sẽ được tổ chức định kỳ, đến hẹn lại lên, sẽ có thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, chương trình cũng sẽ ngày càng phong phú hơn, tân kỳ hơn, chắc chắn sẽ được ghi vào như một điểm nhấn trong các tour trên con đường di sản.

Những tưởng hiệu quả của Vũ điệu Tiên Sa, một sản phẩm du lịch mới độc đáo sẽ đến trong vài ba năm tới. Nào ngờ ngay tháng 3 này du khách đã háo hức đến với cuộc vui lớn ở Cửa Hàn, các khách sạn đã “cháy” phòng.

Chỉ riêng việc nó đem lại niềm vui cho hàng vạn người, cho cả thành phố, đem lại một dấu ấn cho ngày hội thì cũng là đáng đồng tiền bát gạo rồi. Hơn nữa, tiền chi cho cuộc vui này là tiền tài trợ thì ai đó còn chút băn khoăn “đang thời bão giá, đất nước, từng nhà, từng người chẳng những phải rất khôn ngoan mà còn phải cần kiệm vượt qua thử thách, bày ra Vũ điệu có phù hợp chăng?”. Xin hãy yên tâm.

Chính vào thời điểm nhiều khó khăn này, càng cần có những niềm vui, những tiếng cười để cùng nhau phấn chấn đi lên, lướt tới.

Rõ ràng không phải chờ đến khi ăn nên làm ra mới lo cho cuộc sống luôn đầy niềm vui và tiếng cười. Song, ai đó vào lúc này có lời khuyên, nhắc “Trước hết hãy tập trung lo cho thành phố thân yêu, cho mọi người, mọi nhà ở Đà Nẵng đều ăn nên làm ra. Bởi đó là cái gốc của sự phát triển thịnh vượng để cuộc sống luôn có những niềm vui bất tận và vang vang tiếng cười yêu đời”.

Xin chân thành ghi nhận và cảm ơn. Bởi điều khuyên nhắn này không bao giờ thừa.

NGUYỄN ĐÌNH AN 

.