.

Ba cây chụm lại...

.

Người ta đã nói nhiều về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng xấu đến du lịch nước ta, nhưng trở lực phát triển của ngành du lịch còn do chính những yếu kém từ lâu nay về phía chủ nhà. Đó là môi trường du lịch chưa phát triển, hạ tầng du lịch thiếu thốn, giá đắt, phục vụ thiếu chuyên nghiệp… Để duy trì tốc độ tăng trưởng du lịch trước những dự báo ít thuận lợi trong khi mục tiêu đặt ra vẫn là thu hút 4,5 triệu khách nước ngoài trong năm 2009 (năm 2008 đã đạt trên 4 triệu), nhiều người đặt câu hỏi ngành du lịch phải làm gì, nói rộng hơn, đất nước phải làm gì?

Người ta đến Việt Nam vì... có những bãi biển đẹp.  (Ảnh minh họa)

Nhu cầu du lịch rất đa dạng nhưng có một điểm chung, đó là khách du lịch phần nhiều là những người thu nhập khá, họ bỏ tiền ra để đến những nơi có thể nâng cao hơn chất lượng sống của mình. Nơi đó phải có ăn, có chơi, có chỗ nghỉ ngơi lợi cho sức khỏe, có nhiều điều thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, tò mò của họ. Nơi khách muốn đến du lịch còn cần giá phải rẻ, giao thông phải thuận lợi, an ninh phải tốt. Để đáp ứng những nhu cầu đó, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chúng ta chưa thể so với các quốc gia du lịch phát triển, có nguồn thu chính từ loại dịch vụ này, kể cả chưa thể so sánh với một số quốc gia trong khu vực. Không những thế, cùng với sự tăng trưởng, nhiều lợi thế về du lịch đang mất dần.

Người ta “mê” Việt Nam vì đất nước này có một lịch sử như huyền thoại, có nhiều sinh hoạt cộng đồng, nhiều di tích văn hóa còn ở dạng nguyên sơ, chưa bị biến dạng. Người ta đến Việt Nam vì khí hậu trong lành, nhiều danh lam thắng cảnh nhiệt đới, rừng rậm, núi cao, bãi biển đẹp, thức ăn ngon… nhưng những thứ đó đang ngày bị mai một, bị làm cho xuống cấp hoặc “mới hóa” theo kiểu châu Âu. Đã thế, giá du lịch Việt Nam vào loại đắt nhất nhì thế giới, từ người dân đến người làm du lịch đều tìm mọi cách để thu nhiều hơn từ túi khách hàng mà không nghĩ rằng muốn thu nhiều thì phải tạo điều kiện để khách hàng được lợi nhiều.

Nhận thức được điều đó và để chống chọi với cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày một đến gần, mới đây, ngành du lịch và nhiều địa phương đã khẩn trương áp dụng các biện pháp kích cầu du lịch, mạnh mẽ nhất là chủ trương giảm giá. Theo ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chương trình giảm giá hướng tới từ nay đến tháng 9-2009 (thời điểm dự đoán kinh tế thế giới sẽ hồi phục), các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải giảm giá đồng loạt tới 50% so với giá các dịch vụ du lịch và khách sạn hiện nay.

Cùng với cuộc vận động với các cơ sở trong ngành, Tổng cục cũng can thiệp để các hãng hàng không tham gia vào chương trình giảm giá, mức giảm tối đa cũng tới 50% giá vé cho khách du lịch. Khối địa phương, UBND thành phố Đà Nẵng, địa phương đang nổi lên như một thành phố du lịch đã chi 10 tỷ đồng để kích cầu du lịch như giúp các doanh nghiệp giảm giá, mở tour mới, mở tuyến phố đi bộ, tổ chức các sự kiện du lịch. Một số doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã liên kết tổ chức nhiều sản phẩm du lịch các bên đều có lợi…

Những cố gắng đó rất đáng khích lệ nhưng nó chỉ thực sự có hiệu quả khi có được sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, các ngành trong nước và sự hội nhập hơn nữa giữa du lịch Việt Nam và thế giới. Muốn có nhiều khách nước ngoài, thế giới phải hiểu về Việt Nam, phải có lợi nếu làm ăn với Việt Nam. Muốn du khách hài lòng, ngành du lịch không thể làm được nếu như các ngành kinh tế, nội chính, các cấp chính quyền đứng ngoài cuộc. Bởi vậy, dường như điều vị lãnh đạo cao nhất của ngành mong muốn là củng cố, hoàn thiện, nâng cấp hoạt động du lịch hiện còn đang dừng lại ở dự định vì muốn làm được điều đó, cần phải đồng bộ mà sự đồng bộ thì mới chỉ bắt đầu được đặt ra.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.