Ngày 11-2-2009, Ngân hàng Thế giới (WB) và UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức thực hiện dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên” với mục tiêu mở rộng thành phố về phía Nam, biến 3.500ha đất vùng ven thành đô thị. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 218,47 triệu USD (phần vốn của WB là 152,43 triệu USD) và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Điểm mới thứ nhất của dự án trên là lần đầu tiên, WB tài trợ lớn đến như thế cho việc phát triển thành phố bền vững ở Việt Nam. Xác tín đó minh chứng rằng tính khả thi và sự hiệu quả của dự án là điều đã được kiểm định và xem xét kỹ càng. Điểm mới thứ hai của dự án là tất cả những hộ dân bị ảnh hưởng (671 hộ), “bất kể tình trạng pháp lý đều được đền bù, được hỗ trợ nhằm cải thiện hoặc khôi phục mức thu nhập”. Đây có thể là điều quan trọng nhất bởi lâu nay các dự án đền bù, giải tỏa đều ít nhiều làm thiệt hại đến những hộ dân do các thể thức bất cập, phi lý.
Điểm mới thứ ba là việc giám sát tái định cư (236 hộ dân) sẽ có sự tham gia trực tiếp của người dân và giám sát độc lập nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự thiệt thòi của người dân trong việc “hy sinh” vì lợi ích cộng đồng. Điểm mới thứ tư là giá đất đền bù sẽ theo sát giá thị trường và bồi thường nhà ở khi xây dựng lại ở vùng tái định cư bằng với giá vật liệu xây dựng, tiền công tương đương với thời giá lúc người dân xây nhà. Điểm mới thứ năm là thành phố Đà Nẵng xác định rất rõ việc mở rộng thành phố về phía Nam chứ không phải như các dự án trước đây ở Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác là “phình to” tự nhiên, khó kiểm soát.
Mở rộng về phía Nam, trước hết, là một đòi hỏi tất yếu vì các hướng phát triển khác đều bị “thần” tạo thiên lập địa ngăn cản. Nhưng phải thấy rằng đây là cách nhìn đủ và đúng nhất đối với thực tế - tương lai của thành phố. Về mục tiêu giãn dân nội thị (hiện nay), đó là bài toán đúng; với tầm nhìn xa hơn nữa – cho 20 hay 50 năm tới, đây có thể coi là bước chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố có vai trò quan trọng nhất nước ta.
Phát triển về phía Nam là nguyên tắc của tầm nhìn địa - chiến lược (Geo-strategy) gắn liền với địa – kinh tế (Geo-economy). Hơn nữa, “gần hóa” Đà Nẵng với Hội An, Mỹ Sơn… theo nguyên tắc “liên thành phố” hoặc “siêu đô thị chuỗi” (như mô hình của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới) là quy luật tất yếu của phát triển. Về nguyên tắc, sự tương hợp tâm lý, vùng ảnh hưởng kinh tế, tiềm năng tương lai, khả năng “chọn” đúng, chính xác những ưu tiên là điều tiên quyết cho thành công của một dự án phát triển.
Nói cách khác, nếu Hội An hay Dung Quất không thể gần lại thì Đà Nẵng phải tự mình tiến đến để gần hơn. Một cách nhìn tương hợp nữa là, không thể xóa đói, giảm nghèo khi một bộ phận lớn của địa phương bị tách ra bên lề phát triển. Chắc chắn rằng dự án mở rộng về phía Nam của Đà Nẵng sẽ là đầu tàu để kéo “đoàn tàu” với các “toa tàu” là 3 quận, huyện Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang tăng tốc. Lúc đó, có thể tin rằng, sự phát triển đồng bộ sẽ là “liều thuốc” tốt nhất nhằm thu hẹp bớt khoảng cách giàu nghèo. Đó là chưa kể đến, đây là dự án kích cầu tốt nhất khi sự suy thoái kinh tế đang lan rộng khắp thế giới.
Tất nhiên, rất nhiều thách thức sẽ đặt ra. Tốc độ phát triển quá nhanh luôn tiềm ẩn những mối đe dọa từ việc “hổng chân” giữa cung và cầu. Quỹ đất của thành phố bị thu hẹp, việc dự tính mở rộng hơn nữa các khu công nghiệp trong tương lai dài hạn sẽ được giải quyết ra sao? 18.000 công nhân hiện nay đang không có nhà ở, chỗ cư trú hợp lý (TN, 16-2-2009).
Mặc dù đã có 8 địa điểm được chọn để xây dựng các chung cư bình dân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Thọ Quang, Hòa Cầm, Hòa Khương; nhưng vẫn chưa được triển khai, là một thách thức không nhỏ. Trong khi đó, thành phố lại triển khai việc ưu đãi đầu tư xây dựng 1.000 căn hộ cao cấp - có thể dẫn đến những bất cập không nhỏ…
Cần nhận rõ rằng, sự phát triển trung hạn và dài hạn của thành phố Đà Nẵng chỉ thật sự thỏa đáng khi cân bằng được lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, cân bằng được nhu cầu thiết yếu của người lao động nghèo với sự giàu có của một bộ phận dân cư, cân bằng được lợi ích cục bộ và lợi ích tổng thể, cân bằng được giữa cái phải có và cái nên có, cái chung (thành phố) với cái riêng (người dân nghèo)… Tạo được sự cân bằng đó, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ, lâu bền…
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Hướng đi mới, tầm nhìn mới
Thứ Tư, 18/02/2009, 08:30 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.