Chủ trương bù lãi suất được Chính phủ thông qua trong bối cảnh tình trạng suy giảm nặng nề đang đe dọa đến toàn bộ nền kinh tế. Có thể vẫn còn mặt này mặt khác chưa được như ý, có những lo toan nhất định nào đó, nhưng có thể khẳng định đây là giải pháp thực sự sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, đặc biệt là tạo hiệu ứng tích cực và nhanh chóng trong việc kích thích, nâng đỡ các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Do tác động tích cực của bù lãi suất, các lĩnh vực làm ăn sẽ được tiếp sức mạnh mẽ thông qua mở rộng quy mô tín dụng lên hàng trăm ngàn tỷ đồng trong một thời gian ngắn, duy trì được sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm... Ưu việt của giải pháp chính là ở chỗ tiến hành triển khai đồng loạt thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tạo sức cạnh tranh cao, hiệu quả lan tỏa nhanh và lành mạnh cho chủ trương chính sách đi vào cuộc sống, trong khi Ngân hàng Trung ương vẫn duy trì được sự kiểm soát tổng thể về hiệu quả sử dụng vốn theo định hướng mục tiêu chung đã vạch ra.
Nhìn chung, hệ thống ngân hàng thương mại đã phản ứng kịp thời, rất năng động trong việc nắm bắt chủ trương kích cầu của Nhà nước, thông qua đó kịp thời hỗ trợ và thực hiện tốt chiến lược cạnh tranh khách hàng của chính mình. Phải chăng đây chính là bài học đáng suy nghĩ trong cách thức triển khai chủ trương vĩ mô vào thực tiễn sao cho có hiệu quả nhất?
Một số ý kiến cho rằng tại sao không áp dụng bù lãi suất cho những đối tượng vay trung dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn trên thương trường? Đây là gợi ý đúng nhưng chưa khả thi, nhất là trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ đã rất nỗ lực nhưng rõ ràng dư luận cũng không nên cầu toàn.
Cũng nên nhắc lại rằng, giải pháp bù lãi suất, hay nói cụ thể hơn là hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và áp dụng lãi suất ưu đãi cho các dự án trung dài hạn đã được triển khai từ lâu trong phạm vi hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Quỹ Hỗ trợ phát triển trước đây). Tuy nhiên, do Ngân hàng Phát triển là một định chế thuộc Bộ Tài chính, vẫn duy trì hoạt động theo cơ chế bao cấp, thiếu tính cạnh tranh, dẫn đến việc tiếp cận của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc.
Nên chăng cần xem đây là thời điểm cần thiết để kiện toàn lại một cách cơ bản cơ chế hoạt động của các quỹ hỗ trợ tài chính Nhà nước, khuyến khích đổi mới phong cách, thủ tục và quy trình làm việc, kể cả tính đến việc chuyển giao một phần nguồn lực vốn sang cho hệ thống ngân hàng thương mại để mở rộng khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn thông qua Ngân hàng Phát triển hiện cũng đang trong tình trạng tương tự, mặc dù đã được Thủ tướng ký ban hành từ ngày 21-1-2009 nhưng cho đến nay việc chỉ đạo triển khai hầu như chưa có động tĩnh gì lớn.
Với sự năng động của toàn hệ thống ngân hàng, chắc chắn chủ trương bù lãi suất sẽ nhanh chóng đi dần vào cuộc sống, đồng thời sẽ nảy sinh hàng loạt vướng mắc trong thực tế. Điều này là hiển nhiên, hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp tiếp tục tháo gỡ. Đặc biệt, trên lĩnh vực cho hộ nông dân vay vốn, với địa bàn rộng lớn, số lượng khách hàng rất đông, rõ ràng hệ thống ngân hàng không thể làm đầy đủ quy trình kiểm tra trước - trong - sau khi cho vay như đối với một doanh nghiệp hoạt động bài bản, mà cần thiết phải có những đơn giản hóa hơn về thủ tục như cho phép đăng ký hỗ trợ lãi suất qua tổ vay vốn, giảm thiểu thủ tục ký xác nhận đến từng người vay...
Trường hợp các hộ được cho vay theo hình thức lưu vụ, nghĩa là được quyền tái sử dụng vốn quay vòng vụ tiếp theo mà không đến ngân hàng làm thủ tục vay lại thì cũng nên xem xét hỗ trợ để nông dân khỏi thiệt thòi ...Các hội đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ... cũng cần nhanh chóng vào cuộc để tiếp sức cùng hệ thống ngân hàng trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách, hướng dẫn người vay vốn thực hiện đúng quy định để được hưởng quyền lợi bù lãi suất, tránh tình trạng những doanh nghiệp lớn hoặc những “đại gia” có lợi thế về quan hệ sẽ tranh thủ được phần lớn nguồn lực hỗ trợ này trong khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những hộ sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp... đang gặp nhiều khó khăn thì dễ bị đứng ngoài cuộc? Một nội dung khác không kém phần thời sự, đó là tình trạng đảo nợ nhằm hoán đổi lãi suất theo hướng có lợi hơn cho khách hàng.
Cần nhấn mạnh rằng, đảo nợ là hành vi tích cực nếu khách hàng chứng minh được mục đích sử dụng vốn cũng như hiệu quả kinh doanh sau khi đảo nợ sẽ tăng hơn nhiều so với trước. Tất nhiên điều này cần được ngân hàng ủng hộ trên tinh thần thương lượng bình đẳng, vì quyền lợi chung và lâu dài của đôi bên, đồng thời thống nhất cách thức thủ tục đảo nợ một cách hợp lý.
Vấn đề phức tạp thực ra không nằm ở mục đích đảo nợ mà chính là phương thức để tiến hành việc này, nếu không quản lý tốt sẽ tạo kẽ hở phát sinh tiêu cực, làm sinh sôi nảy nở các loại hình “kinh doanh đảo nợ” phi pháp với “lãi suất cắt cổ” khó lòng quản lý nổi. Hệ thống ngân hàng bên cạnh việc quản lý tốt lực lượng cán bộ của mình, cần công khai minh bạch về chính sách tín dụng, xử lý nghiêm minh các hành vi câu kết nếu có, gây tổn hại đến uy tín ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng.
TÂM DÂN