.

Lửa, quyết đoán, niềm tin...

Ngày 19-2-2009, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã có buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo trẻ cấp trưởng, phó phòng trở lên, có tuổi đời chưa quá 40. Các vấn đề trao đổi của buổi gặp mặt trên khá đa dạng, nhưng nội dung chính của buổi nói chuyện này xoay quanh 4 trọng tâm: cán bộ lãnh đạo nói chung, cán bộ lãnh đạo trẻ nói riêng phải có lửa, phải biết quyết đoán, phải có niềm tin và nhất là, phải biết chấp nhận thiệt thòi.

Có thể nói rằng, bốn tiêu chí trên là những vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với mỗi cán bộ lãnh đạo. Có không ít cán bộ thiếu cả 4 và, nếu có thì chỉ có một nửa hay một phần của 4 tiêu chí ấy. Sự “thiếu” này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp về năng lực, sự suy thoái về đạo đức, sự quan liêu trong điều hành và sự lạm quyền, tham nhũng từ cương vị.

Ai cũng biết rằng, có thể hoàn thành một công việc mà không cần nhiều lắm “lửa” từ trái tim mình, chẳng hạn như rửa mặt, chải đầu. Nhưng lãnh đạo là một công việc khác hẳn. Không thể làm tốt công việc đó, nếu thiếu lửa. Lý Thương Ẩn, nhà thơ đời nhà Đường (618-907) viết rằng: Lạp cự thành hôi lệ thủy can - Sống ở trên đời phải như ngọn nến ấy, cháy hết mình và yêu thương hết mình. Nến cháy nhờ có tim nến (sợi bấc), con người muốn “cháy” được phải có một trái tim rực lửa. Chỉ đến khi cả thân xác cháy thành tro bụi, mới không còn nước mắt nữa. Xem thế mới biết người xưa hay thời nay, quan niệm về “lửa” giống nhau như thế nào! Lãnh đạo phải tận tâm, phải hết mình vì nhân dân, bởi mình là người đứng mũi chịu sào. Không có nhiệt tình cách mạng thì người lãnh đạo chỉ là kẻ sáng cắp ô đi, tối cắp về mà thôi.

“Làm lãnh đạo mà không quyết đoán thì đừng làm”, không chỉ là một lời khuyên mà phải coi đó là một nguyên tắc, một phương thức sống không có ngoại lệ. Quyết đoán là chuyện của sự khó khăn, bởi vì dù đúng hay sai đều phải trả giá ít nhiều. Thành công vẫn có thể bị coi là vượt quyền, “chơi trội”; không thành công thì lãnh đủ mọi điều tiếng - thậm chí mất ghế như chơi. Thế nhưng, nếu như sự quyết đoán của mình là vì dân, vì việc công thì phải dũng cảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Có như vậy mới cần đến năng lực lãnh đạo, bởi, nếu không, sinh ra lãnh đạo để làm gì?

Niềm tin của một người lãnh đạo là điều luôn bị thử thách, mỗi ngày. Nhất là, trong hoàn cảnh nhiều nhiễu nhương và thử thách như hiện nay. Thách thức là cơ hội. Đó là phương châm cần để có niềm tin. Tin vào lý tưởng sống, tin vào mục đích công việc mình làm, tin vào ngày mai, tin vào lòng tốt của con người. Đặc biệt, nếu làm lãnh đạo mà không tin tưởng, khơi dậy được niềm tin từ cấp dưới thì sự thất bại gần như là chuyện đương nhiên. Không phải tự nhiên mà người xưa dạy phải chính lý tưởng, chính tư duy, chính kiến... Không có niềm tin thì chỉ có thể đi vòng!

Điều khó nhất của một người làm lãnh đạo thời nay là chấp nhận thiệt thòi. “Chí công vô tư” là điều Bác Hồ luôn nhắc nhở. Chấp nhận hy sinh quyền lợi sẽ “mất” cái cụ thể trước mắt của riêng mình nhưng được thì nhiều lắm. Được một tấm gương, được sự nỗ lực và hết mình, được cái lâu dài, bền vững. Suy cho đến cùng, mọi sự tham nhũng, hành dân, quan liêu, tắc trách đều bắt đầu từ chỗ không biết chấp nhận thiệt thòi.

James Madison - một trong những cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng “Chính trị luôn là một sản phẩm không hoàn hảo của trí tuệ con người bởi xu hướng lạm quyền, cá nhân hóa chính quyền luôn là một bản năng tự nhiên...”.

Nói thế để thấy rằng, làm lãnh đạo là một công việc cam go, đầy thử thách. Người dân thiết tha mong mỏi các nhà lãnh đạo trẻ luôn sống bằng ngọn lửa của chính trái tim mình, đủ năng lực để quyết đoán và dám nhận trách nhiệm, không đổ lỗi vì sự quyết đoán ấy, luôn có niềm tin và nuôi dưỡng sức mạnh từ niềm tin để nhìn xa hơn, hiểu rõ hơn bổn phận sống, sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi của cá nhân mình. Làm được như thế, chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn, từng ngày...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.